Thứ 6, 29/03/2024 02:49:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:43, 24/02/2016 GMT+7

Tần số vô tuyến điện và những quy định mới của pháp luật

Thứ 4, 24/02/2016 | 15:43:00 2,345 lượt xem
BP - Tần số vô tuyến điện là tần số của sóng vô tuyến điện. Sóng vô tuyến điện là sóng điện từ có tần số thấp hơn 3.000 gigahéc (GHz) truyền lan tự do trong không gian, không có dẫn sóng nhân tạo.

Tại Chương 5, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, đã nêu rõ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Đặc biệt, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27-11-2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Trong các tội danh mới được bổ sung vào bộ luật này, có 2 tội danh về lĩnh vực tần số vô tuyến điện, đó là: Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293) và tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294) với mức hình phạt tù cao nhất là 5 năm.

Trên cơ sở đó, ngày 1-2-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BTTTT quy định về kiểm tra tần số vô tuyến điện, áp dụng đối với: cơ quan kiểm tra tần số vô tuyến điện, đoàn kiểm tra tần số vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại.

Tại Điều 19, Thông tư số 02/2016/TT-BTTTT quy định rõ trách nhiệm của sở thông tin và truyền thông:

1. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra của sở thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật và thông tư này.

2. Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong công tác kiểm tra theo quy định của pháp luật và thông tư này.

3. Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả kiểm tra; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý sau kiểm tra.

4. Chủ trì và phối hợp với trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực thực hiện kiểm tra trên địa bàn quản lý.

5. Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực khi được yêu cầu.

6. Thực hiện chế độ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình, kết quả công tác kiểm tra theo quy định.

Các văn bản pháp luật quan trọng nêu trên, một mặt tạo điều kiện pháp lý cho việc sử dụng tần số vô tuyến điện rộng rãi hơn, mặt khác quy định các chế tài nghiêm ngặt để xử lý các vi phạm về quản lý tần số vô tuyến điện. Từ đó, nâng cao hiệu lực thực thi của cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện, đảm bảo cho các hệ thống vô tuyến điện hoạt động hợp pháp, không bị can nhiễu có hại, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ viễn thông, các ứng dụng sóng vô tuyến điện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số. Đồng thời tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Nguyễn Hoài 

  • Từ khóa
22850

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu