Thứ 6, 19/04/2024 18:08:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:03, 06/02/2016 GMT+7

Tản mạn chuyện gia đình

Thứ 7, 06/02/2016 | 14:03:00 536 lượt xem
BP - Hồi chưa lập gia đình, tôi rất buồn cười khi đọc được mẩu chuyện trên báo thế này: Có anh chàng vào những dịp Valentine, 8-3, 20-10 thường ghé tiệm bán hoa quen cạnh công viên với vẻ mặt tràn đầy hạnh phúc. Đến một ngày thiên hạ đổ xô đi mua hoa mừng Ngày quốc tế phụ nữ, khi bà cụ bán hoa chào mua thì anh chàng ủ ê nói, cháu đã lập gia đình một năm rồi bà ạ.

Lúc ấy, tôi đã cho rằng tác giả khéo bịa chuyện. Giờ đã có gia đình rồi thì tôi tin câu chuyện về anh chàng mua hoa nọ, ít nhất không phải hoàn toàn là chuyện bịa. Hôn nhân rồi mới thấy cuộc sống gia đình không còn như trong mộng. Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện nuôi dạy con cái, chuyện quan hệ nội ngoại, bạn bè, rồi sức ép công việc... tất cả quay cuồng quanh ta, đòi hỏi cả điều kiện tài chính, sức khỏe, thời gian, sự linh hoạt tháo vát, sự cảm thông chia sẻ, sự khéo léo trong ứng xử. Và điều đó rất cần sự thuận vợ thuận chồng, cùng nhau giải quyết mọi công việc.

Có thể nói ở Việt Nam, trong các mối quan hệ gia đình thì quan hệ vợ chồng là thứ quan hệ “xương sống”, có tác động và ảnh hưởng nhiều nhất đến các mối quan hệ khác như quan hệ mẹ (bố) - con, quan hệ ông (bà) - cháu. Vợ chồng đầm ấm, hạnh phúc, tin tưởng và luôn chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn sẽ là cầu nối tốt đẹp cho các mối quan hệ khác và ngược lại. Tuy nhiên, gánh nặng gia đình dường như luôn nặng hơn trên vai người phụ nữ. Thiên chức làm mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ, cũng đồng thời là trách nhiệm lớn lao của người phụ nữ với mỗi chu kỳ thai nghén và nuôi con dài dằng dặc, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Và trong khoảng thời gian ấy, người phụ nữ vẫn phải hoàn thành công việc của mình trên lĩnh vực mà xã hội phân công. Không phải tất cả, nhưng có rất nhiều người đàn ông từng rất lãng mạn thuở yêu đương bỗng trở thành những ông chồng bướng bỉnh, lười nhác, không cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, nhọc nhằn của vợ. Họ viện cớ “nam nhi” nên không thể làm những việc “thường tình”. Thế là bao nhiêu công việc, từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa... họ nhường hết cho vợ. Đối với những phụ nữ chỉ làm nội trợ thì làm việc nhà là niềm vui, là nhu cầu của họ. Nhưng với những phụ nữ công chức, nếu không có sự chia sẻ công việc của chồng thì việc nhà sẽ ngốn mất rất nhiều thời gian. Và vì thế, nhiều người không có điều kiện để phấn đấu vươn lên. Họ chấp nhận lùi lại phía sau, chăm lo cho gia đình và tạo điều kiện cho chồng, con phấn đấu. Sự nhường nhịn, hy sinh, luôn nhận thiệt thòi về mình là bản chất cố hữu của phụ nữ Việt Nam. Và đó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ cán bộ nữ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước các cấp ở Việt Nam thường rất thấp.  

Từ nhiều thập niên qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện chủ trương bình đẳng giới. Theo đó, phụ nữ Việt Nam được đặt ngang hàng cùng nam giới trên nhiều phương diện, nhất là sự cống hiến tài năng, sức lực cho xã hội. Thế nhưng vì nhiều lý do, bình đẳng giới vẫn chỉ là khát vọng, một thái độ xã hội mà tất cả chúng ta, nhất là những người phụ nữ phải phấn đấu (và phải tranh đấu) trong nhiều thập niên nữa. Từ năm 1993, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã được thành lập và có hệ thống chân rết đến cấp xã, phường. Thế nhưng ở một số cơ quan, đơn vị và trong nhiều gia đình, thái độ coi thường phụ nữ vẫn khá phổ biến. Một năm đôi lần, cả xã hội nô nức kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ và Ngày phụ nữ Việt Nam, để rồi trong suốt 363 ngày còn lại, hầu hết phụ nữ lại lùi về đúng vị trí của mình, là cái bóng của chồng, là người lo việc nhà, là người không có quyền quyết định (đôi khi là sự quyết định chính vận mệnh của mình)!

Xã hội ngày càng phát triển, điều kiện vật chất của từng gia đình ngày càng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, nhịp sống hối hả hôm nay đang làm cho mối quan hệ trong nhiều gia đình trở nên lỏng lẻo. Những bữa cơm gia đình thưa dần để phù hợp với điều kiện học tập, làm việc của các thành viên. Người ta không có nhiều thời gian để quan tâm chăm sóc nhau và cách thức chăm lo cho nhau giờ cũng khác.

Tết cổ truyền của dân tộc đang tới gần. Trong mỗi căn nhà, hàng núi công việc đang chờ bàn tay những người phụ nữ. Vài dòng suy nghĩ lan man, chỉ mong những người chồng biết cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với vợ. Mong những người vợ đừng “quên thân” mà xa rời con đường phấn đấu. Mong tình người càng thêm nồng ấm trong những ngày xuân. Để mỗi gia đình Việt Nam luôn gìn giữ được những giá trị truyền thống lâu đời mà vẫn thích ứng với thời đại.

Thảo Linh

  • Từ khóa
107750

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu