Thứ 4, 17/04/2024 00:54:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:03, 18/07/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-72018)

Tấm gương sáng về “Bộ đội Cụ Hồ”

Thứ 4, 18/07/2018 | 06:03:00 2,385 lượt xem
BP - Bỏ lại một phần thân thể trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, trở về đời thường với đôi chân không lành lặn, ông Phan Huy Hà (1970), thương binh 2/4, hội viên cựu chiến binh ấp 6, xã Tân Khai (Hớn Quản) bền bỉ dốc sức xây dựng kinh tế gia đình, trở thành điển hình “thương binh tàn nhưng không phế”, được nhiều người khâm phục.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, 4 anh trai của ông đều phục vụ kháng chiến. Năm 20 tuổi, thanh niên Phan Huy Hà theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhập ngũ tại Tiểu đoàn 30 Công binh, Sư đoàn 5 đóng tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ông làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, đảm bảo cầu, đường thông suốt cho bộ đội chiến đấu. Tháng 7-1991, trong khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia để đưa thi thể đồng đội về địa phương, khi mở đường rừng được khoảng 8km đến khu vực huyện Mi Mốt, tỉnh Kampongcham trên một con đường ngập nước, máy không rà được mìn, ông giẫm phải mìn làm đứt lìa một nửa chân trái. Sau đó, ông được điều trị ở Bệnh viện Quân y 7A, Cục Hậu cần Quân khu 7. Một năm sau, ông chuyển về đoàn an dưỡng Củ Chi. Năm 1992, ông phục viên về lập nghiệp tại ấp 6, xã Tân Khai.

Đến nay, gia đình thương binh Phan Huy Hà sở hữu 7 ha cao su

22 tuổi đời với đôi chân không lành lặn, ông phải tập quen dần với một chân giả đi lại khó khăn, đau đớn tưởng chừng không thể vượt qua. Nghe lời cha, ông tìm quen một cô gái. 3 tháng sau, hai người nên duyên vợ chồng, rồi sinh con gái đầu lòng. Nhìn nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của con trẻ đã khiến ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ trên chiến trường năm xưa lại sục sôi trong ông. Ông chia sẻ: “Vợ, con là niềm động viên lớn với tôi. Từng là người lính chiến đấu trên chiến trường, khó khăn mấy tôi cũng phải vượt qua, đứng lên gây dựng kinh tế gia đình”. Ông xác định “sức không bì được người bình thường thì làm theo kiểu thương binh. Làm bữa nay một ít, mai một ít, góp lại 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm, có nhiều mình lại phát triển lên”. Từ đó, ông cần cù, tiết kiệm trong chi tiêu, nhạy bén trong tính toán làm ăn. Sau khi có con, vợ ông xin làm công nhân cạo mủ cao su trong doanh nghiệp, còn ông cạo mủ cao su thuê cho tiểu điền và làm thuê, lấy ngắn nuôi dài. Dành dụm được một số vốn, ông vay thêm 20 triệu đồng mua 2 ha điều đang cho thu hoạch. Vì ít vốn nên ông chọn cách mua những mảnh vườn đã cho thu hoạch để nhanh có thu trang trải nợ vay. Chỉ trong 1 năm, ông đã trả hết 20 triệu đồng. Sau đó, thu nhập từ vườn điều ông dành dụm mua được gần 2 ha đất trống. Tiếp đó, ông lấy vốn thu được từ vườn điều đầu tư trồng cao su trên mảnh đất mới mua. Cứ xen kẽ như vậy nên sau khi vườn cao su có thu, ông thanh lý vườn điều và lấy thu nhập từ cao su đầu tư trồng thêm loại cây này. “Năng nhặt chặt bị”, đến nay gia đình ông sở hữu trên 7 ha cao su, trong đó 5 ha đang cho thu hoạch, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Với chu kỳ cạo D3, gia đình ông không thuê nhân công mà tự làm tất cả các khâu.

Với ông, thành công lớn nhất là các con được ăn học đến nơi đến chốn. Ông có 3 con, trong đó một người đã học xong đại học, một người đang học đại học và một con trai học lớp 7. Ông Vũ Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Khai cho biết: “Đồng chí Phan Huy Hà rất nỗ lực trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con thành đạt, là gương tiêu biểu của “thương binh tàn nhưng không phế” ở xã Tân Khai. Đồng chí và gia đình luôn gương mẫu trong cộng đồng, đi đầu các khoản đóng góp tại địa bàn”.

Ông Phan Huy Hà là tấm gương sáng về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Dù trong hoàn cảnh nào, ở mặt trận nào ông cũng xác định phải là người lính giàu ý chí, nghị lực, vươn lên chiến thắng.

Thanh Mai

  • Từ khóa
21513

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu