Thứ 5, 25/04/2024 16:32:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:29, 26/03/2014 GMT+7

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời về nói đi đôi với làm

Thứ 4, 26/03/2014 | 10:29:00 5,995 lượt xem

Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.  

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói phải đi đôi với làm, không được “nói một đàng, làm một nẻo”; nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói, đã hứa thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”(1); “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” (2).


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về “nói đi đôi với làm” cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Người thường nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin, nói và làm cho nhất quán. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương thực hành đạo đức của bản thân Người.

Người quan niệm: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...”(3); tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính, mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được...”(4). Tấm gương nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người, từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự nêu gương của Người.

Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm, tự mình làm trước. Năm 1945, trước nạn đói toàn miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(5).

Những năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo khó, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Người đề nghị nhà bếp là: Cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm thì nấu cơm độn cho Người từng ấy.

Trong nhiều chuyến thăm các địa phương, nhất là các chuyến đi trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mang theo cơm nắm với muối vừng. Người nói: Người ta dọn ra một bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng: Đấy, Bác Hồ đến thăm còn làm một bữa cơm sang, còn điều người này, người khác từ giao tế sang, chuẩn bị cả buổi. Thế là tự Bác bao che cho cái chuyện xôi thịt. Như thế nắm cơm theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc.

Khi ăn cơm, không bao giờ Người để rơi cơm. Bác bảo một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ không để rơi một hạt cơm. Bởi vì, Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một con người.

Hồ Chí Minh làm những việc như thế để thực hiện điều Người nói: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người nói: Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau. Cán bộ, đảng viên nếu làm theo được những việc như trên sẽ thật sự quan liêm - mà quan liêm thì dân hạnh phúc và sẽ đẩy thuyền đi; và sẽ chẳng có những loại quan tham - mà quan tham nhiều thì dân khổ, nước nguy.

Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nói đi đôi với làm” là công việc thường xuyên, lâu dài, quan trọng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc “nói đi đôi với làm”, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Phạm Phú Bình

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.430.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.108, 250.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.552.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.59.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.59

  • Từ khóa
1778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu