Thứ 3, 19/03/2024 16:04:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:05, 13/09/2017 GMT+7

PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

Tại sao tham nhũng vẫn còn “đất” sống?

Thứ 4, 13/09/2017 | 08:05:00 2,464 lượt xem

BP - Đã từ lâu, Đảng ta xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng hiện nay đã và đang trở thành quốc nạn, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vậy tại sao tham nhũng vẫn còn tồn tại? Và bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng bạn đọc đi tìm lời giải cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết về một vấn đề lớn, trong khi kiến thức còn hạn hẹp nên rất mong nhận được sự góp ý chân tình của các đồng chí và bạn đọc gần xa.

Thiếu giám sát trong thực thi pháp luật

Điều 37 của Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết; Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;... Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột.

Luật quy định là vậy, nhưng do việc thực thi không nghiêm và đặc biệt là công tác giám sát còn bị xem nhẹ nên bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch hội đồng thành viên. Rồi trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh có các vi phạm, khuyết điểm: ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân. Cũng trong thời gian này, bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.

Cũng vì thiếu giám sát trong việc thực thi pháp luật nên nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng... Bà Thoa còn không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản. Bà Thoa còn mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH đầu tư và thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong thời gian dài, bà Thoa nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên... còn yếu kém

Ngày nay, không cần phải nói thì ai cũng biết rằng, nguyên nhân và động cơ chủ yếu của tham nhũng là lòng tham. Mọi hành vi tham nhũng dù dưới hình thức nào chăng nữa đều có thể quy về “lợi ích cá nhân”. Và lợi ích nhóm cũng do lợi ích cá nhân “đẻ” ra. Nếu không vì lợi ích của bản thân, gia đình, dòng họ thì có lẽ xã hội sẽ chẳng còn một ai muốn tham nhũng nữa. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng. Nguyên nhân của nó đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm...

Hơn nữa, một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Điều này dẫn đến sự tha hóa, suy thoái về đạo đức không thể tránh khỏi của các công chức, viên chức nhà nước, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tham nhũng. Đảng và Nhà nước ta đã nhận ra được nguyên nhân này, nhưng biện pháp giải quyết chưa thật sự hiệu quả. Và đây là kẽ hở dẫn đến một số cán bộ bị tha hóa, biến chất và trở thành bị cáo trong các vụ “đại án” đang được Tòa án nhân dân tối cao đưa ra xét xử.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Có nhiều giải pháp để ngăn ngừa và phòng, chống tham nhũng, nhưng theo ý kiến của cá nhân người viết thì trước hết là người đứng đầu phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống trong sáng, giản dị, lành mạnh, tiết kiệm. Đồng thời, cũng phải là người đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Đặc biệt là người đứng đầu cần xây dựng cơ chế, biện pháp, hình thức tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính gương mẫu trong việc chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để ngăn chặn tham nhũng, suy thoái. Và cuối cùng là Nhà nước cần kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”, cơ chế đặc thù và khắc phục tình trạng “trên có chính sách”, “dưới có đối sách”, “trên trải thảm”, “dưới trải đinh”, “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đàng, làm một nẻo”. Có như vậy thì tham nhũng, tiêu cực mới không còn tồn tại và các nghị quyết của Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống.

Thanh Hải

  • Từ khóa
1187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu