Thứ 6, 29/03/2024 19:36:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:10, 25/01/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Tài sản của hợp đồng bị mất

Chủ nhật, 25/01/2015 | 13:10:00 1,275 lượt xem

BP - Quy định về việc hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản là đối tượng của hợp đồng bị mất, hư hỏng, tại Khoản 1, Điều 451 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định như sau: Khi người có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp người có nghĩa vụ làm mất, hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể bồi hoàn hay đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, cải tạo, thay thế bằng tài sản cùng loại thì sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trong Khoản 1, Điều 451 nêu trên sẽ có hai cách hiểu mang lại hai hậu quả hoàn toàn khác nhau.

Cách thứ nhất là: Người có quyền trong hợp đồng dân sự sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng nếu như người có nghĩa vụ “làm mất, làm hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể bồi hoàn hay đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, cải tạo, thay thế bằng tài sản cùng loại”. Nếu thực sự điều luật trên được thực thi theo cách hiểu này thì đây là một quy định quá vô lý. Tại sao người có quyền trong hợp đồng lại không thể hủy bỏ hợp đồng nếu như đối tượng của hợp đồng không còn tồn tại hay bị làm hư hỏng mà không được bù đắp hay thay thế bằng một tài sản khác?

Một thực tế dưới đây là minh chứng cho sự bất cập của quy định trên. Ví dụ, tôi mua một chiếc xe đạp nhưng chiếc xe đạp đó bị hỏng trước khi giao cho tôi và người bán lại không thể thay thế bằng một chiếc xe khác thì tôi không có quyền được hủy bỏ hợp đồng đó hay sao? Và đây là một quy định vô cùng phi lý. Vậy cách giải quyết sự việc này như thế nào? Chẳng lẽ tôi phải chấp nhận thanh toán số tiền tương ứng với một chiếc xe mới để lấy về một chiếc xe đã bị hỏng và không thể sử dụng được?

Với cách thứ hai thì quy định trên cũng được hiểu rằng: Nếu người có quyền đã hủy bỏ hợp đồng rồi thì sẽ mất quyền hủy bỏ hợp đồng. Và nếu quy định như vậy thì chẳng khác nào “huề vốn”. Tức là, tôi hủy bỏ hợp đồng rồi thì đương nhiên sẽ không còn hợp đồng hủy bỏ, huống chi nói đến chuyện có quyền hay không có quyền.

Từ phân tích trên, theo quan điểm của cá nhân tôi, các nhà lập pháp cần điều chỉnh lại nội dung của điều luật này để thể hiện rõ hơn ý định lập pháp của mình đồng thời để người đọc hiểu rõ hơn bản chất điều luật.

Ý kiến thứ hai về Điều 29 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Đây là những quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Và theo quy định tại Khoản 1 của điều này thì người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là: Người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của họ, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người đó là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đối với người có khó khăn trong nhận thức, tại Khoản 2 của Điều 29 có quy định như sau: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự theo quy định của luật hoặc theo quyết định của tòa án phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Thế nhưng trong Điều 151 lại không có khoản nào quy định về đại diện theo pháp luật đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cụ thể, Điều 151 trong dự thảo như sau: Người đại diện theo pháp luật của cá nhân gồm: 1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ; 3. Người do tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Vì vậy, tôi đề nghị trong Điều 151 cần bổ sung quy định về người đại diện của người có khó khăn trong nhận thức.            

Lg: Như Thanh

  • Từ khóa
12502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu