Thứ 5, 25/04/2024 14:54:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:58, 27/10/2017 GMT+7

Tài chính tiêu dùng đang mang lại những gì?

Thứ 6, 27/10/2017 | 07:58:00 149 lượt xem
BP - Tài chính tiêu dùng đang là mảng kinh doanh ngày càng phổ biến và được nhắm đến như là một trong những chiến lược kinh doanh giúp mang lại thành công cho các công ty tài chính, ngân hàng. Không chỉ được người tiêu dùng ngày càng đón nhận, tài chính tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính còn tạo công việc cho hàng chục ngàn lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Không dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ còn góp phần tác động tích cực tới kinh tế - xã hội, phát triển thị trường tài chính, thúc đẩy tiêu dùng...

Vai trò kết nối thị trường

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hằng ngày của người dân, đặc biệt giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính có 2 tác động, bao gồm: đáp ứng nhu cầu về vốn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn và giúp các hộ này quay vòng đồng vốn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tổng thể với nền kinh tế, cho vay tiêu dùng có tác động tích cực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng cá nhân hiện đã chiếm 67-68% GDP, đồng thời góp phần phát triển thị trường tài chính, đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Nhân viên công ty tài chính tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng

Theo thống kê tài chính, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến ngày 30-6-2017 đạt khoảng 744 ngàn tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay của các công ty tài chính đạt khoảng 97 ngàn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng, đóng góp việc làm cho xã hội với khoảng 30 ngàn nhân viên trong các công ty tài chính. Như vậy cho vay tiêu dùng có vai trò quan trọng khi kết nối thị trường tài chính lớn và tiêu dùng cá nhân, tăng sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là giảm tín dụng đen.

Làm thế nào để có khoản vay hiệu quả?

Cho vay tiêu dùng hướng đến các đối tượng khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng, tức là những người có thu nhập trung bình - thấp, thu nhập không ổn định, vay tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính, do vậy cũng có mức lãi suất cao hơn so với khoản vay tại ngân hàng. Chưa kể, trường hợp khách hàng không thanh toán đúng hạn lãi và gốc cũng sẽ phải chịu một số quy định ràng buộc về lãi phạt.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng: Khách hàng cần tính toán, cân nhắc khả năng trả nợ trước khi đi vay. Lãi suất trong hạn của cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính hiện nay trung bình khoảng 20-30%/năm. Nhưng nếu trong quá trình vay, người đi vay bị quá hạn thì lập tức lãi suất (gồm lãi phạt) áp dụng sẽ tăng lên 45% thì sẽ rất khó trả nợ. Nếu lãi suất trong hạn mà đã 45-50% thì càng cần phải thận trọng khi vay các khoản lớn, thời hạn trả nợ dài. Đối với các khoản vay nhỏ lẻ, dễ dàng trả nợ thì có thể chấp nhận lãi suất cao.

Với mục đích đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng nhỏ lẻ của người dân, các khoản vay tín chấp thường không lớn, đa phần trong khoảng từ 3-10 triệu đồng để mua thiết bị điện tử điện máy và tối đa 70 triệu đồng cho khoản vay tiền mặt.

“Nhóm khách hàng vay là những người có thu nhập trung bình và thấp, không thể tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng từ ngân hàng. Khi đến với các công ty tài chính cần phải tìm hiểu số tiền lãi phải trả hằng tháng, các loại phí phải đóng và các thông tin liên quan trên hợp đồng mà họ ký thỏa thuận với công ty. Cần tìm hiểu kỹ về hợp đồng vay để đảm bảo không rơi vào cảnh bị phạt do không thực hiện các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng, vỡ nợ hay mất khả năng thanh toán...” - đại diện một công ty tài chính lớn tại Việt Nam cho biết.

Về phía các công ty tài chính, để tránh rủi ro khi xét một khoản cho vay, công ty tài chính phải xem xét lịch sử tín dụng của từng khách hàng trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và tính tới khả năng trả nợ dựa trên thu nhập của khách hàng sau khi trừ chi phí tiêu dùng để ra quyết định cho vay và hạn mức cho vay.

Như vậy, để vay tiêu dùng hiệu quả và mang lại lợi ích cho khách hàng, ngoài việc các công ty tài chính tư vấn rõ ràng hơn thì người tiêu dùng cũng phải tính toán, “liệu cơm gắp mắm” các khoản vay sao cho phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Hạnh Dung

  • Từ khóa
42181

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu