Thứ 7, 20/04/2024 20:02:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:31, 06/07/2014 GMT+7

Sỹ diện hão

Chủ nhật, 06/07/2014 | 13:31:00 159 lượt xem
BP - Mới sáng sớm, đứa cháu gái là con của một chị bạn đang học tại thành phố Hồ Chí Minh đã gọi điện hỏi, cô ơi có quần áo cũ hay các loại vật dụng không cần dùng nữa thì để dành cho cháu nhé, bao nhiêu cũng được, thứ Bảy cháu về lấy.

Lạ nhỉ, cô bé đang học tại trường quốc tế, học phí một ngàn đô mỗi tháng lại đi xin quần áo, đồ dùng cũ để làm gì!? Cảm nhận được sự băn khoăn của tôi, cháu hào hứng nói: Chúng cháu vừa thảo luận chuyên đề về môi trường, yêu cầu của bài học là mỗi người phải có hành động thiết thực. Cháu nghĩ cô và mẹ cháu giờ đều mập ra nên chắc có nhiều áo quần không dùng nữa. Cháu xin để phân loại, cái nào còn tốt thì sửa để dùng hoặc chia lại cho bạn bè. Số còn lại, lớp sẽ tổ chức dã ngoại mùa hè xanh để ủng hộ người dân vùng sâu ở Bình Phước. Cô ủng hộ cháu nhé.

Cả ngày hôm ấy, tôi rất vui vì lời đề nghị của cô cháu gái. Cô bé sinh ra, lớn lên trong một gia đình khá đủ đầy vật chất, đang tiếp thu nền giáo dục hiện đại tại một thành phố phồn hoa, nhưng đã biết thể hiện ý thức và thái độ trách nhiệm của mình đối với môi trường và sự sẻ chia cộng đồng. Vả lại, số áo quần, túi xách, giày dép không dùng đến của cả gia đình khá nhiều, và nhiều món còn như mới. Muốn cho mấy người cùng khu phố, nhưng lại sợ người ta cười là cho đồ cũ nên tôi chưa biết giải quyết ra sao. Hóa ra bọn trẻ bây giờ rất thực tế chứ không sỹ diện hão như thời của tôi.

Nhớ hồi mới vào cơ quan báo, lần đầu tiên được dự lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành. Điều kiện kinh tế hồi ấy còn khó khăn, nhưng một đơn vị chăn nuôi trong tỉnh đã ủng hộ cơ quan gần ngàn quả trứng vịt lộn. Bữa tiệc kết thúc mà vẫn còn dư rất nhiều trứng trên bàn ăn. Tôi thấy mấy nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tên tuổi là khách mời của cơ quan nhanh tay quơ trứng lộn, bánh bao bỏ vào cặp. Thế là các thần tượng trong tôi sụp đổ tan tành. Trong mắt tôi lúc ấy, những người sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần không thể có những hành vi dung tục thế. Sống thêm mấy chục năm, giờ tôi đã đủ già, đủ trải nghiệm và sự cảm thông để nhận thức rằng, nghệ sĩ tên tuổi thì cũng phải ăn để sống. Và để thức ăn dư thừa là có tội không chỉ một lần!

Bây giờ, hầu như tuần nào, tháng nào cũng phải đi dự đám cưới, đám mừng. Và lần nào cũng thế, tiệc tùng linh đình, thức ăn còn ê hề trên bàn tiệc nhưng các thực khách đã bỏ đũa để dùng món tráng miệng. Liên hệ đến những bữa ăn đạm bạc chỉ có cơm chan nước mắm, măng rừng của những em nhỏ vùng sâu hay những suất ăn có giòi của hàng ngàn công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú hồi năm ngoái, lòng không khỏi xót xa và cảm thấy mình như có lỗi khi ngồi trong những bàn tiệc ấy.

Thế nhưng có lần, trong bàn tiệc tôi ngồi có một phụ nữ lớn tuổi ăn vận rất hợp thời hỏi xin mấy cô phục vụ nhà hàng cái hộp xốp hoặc bọc ni-lon để đựng thức ăn thừa mang về thì lập tức nhận được những cái nhìn dè bỉu cả của đám nhân viên phục vụ và những người cùng bàn. Những ánh mắt đổ dồn vào bà ấy như muốn nói, trông sang trọng thế mà... Thế là cái ý định trút đĩa thịt bò thái sẵn đang còn nguyên và con cá chiên xù chỉ mới khoét một tý lườn của tôi tiêu luôn. Thực lòng, nhìn thức ăn thừa quá nhiều trên bàn, tôi tiếc nhưng lại không muốn một người quen nào đó tình cờ nhìn thấy tôi đang hăng hái vét đồ ăn thừa! Vì thế, tôi rất ngưỡng mộ nhìn người phụ nữ ung dung xách bọc thức ăn thừa đi ra khỏi nhà hàng.                  

T.N

  • Từ khóa
108379

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu