Thứ 7, 20/04/2024 13:45:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:20, 18/10/2016 GMT+7

Suy thoái dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước rất ngắn

Hải An
Thứ 3, 18/10/2016 | 08:20:00 1,179 lượt xem
BP - “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ngày 14-10-2016.

HỆ THỐNG BIỂU HIỆN CỦA SỰ SUY THOÁI

Cũng trong bài phát biểu bế mạc này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”.

Trong lịch sử hơn 86 năm ra đời và phát triển, đây là lần đầu tiên Trung ương chỉ ra rõ nhất “một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt là Trung ương đã chỉ ra những mối nguy hiểm đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ và khoảng cách giữa sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn và nguy hiểm khôn lường.

NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN LÀ CHỦ YẾU

V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta”. Xét cho cùng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất luôn là một quá trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng mặc dù nó bị tác động khách quan từ bên ngoài, như mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch... Nhưng đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ngày 14-10-2016: “Trung ương khẳng định sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”.

Có thể thấy rõ rằng, từ lý luận đến thực tiễn đều nói lên nguyên nhân dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất phát từ sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên mà ra. Và điều đáng lo là số lượng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất là một bộ phận không nhỏ và chưa có dấu hiệu nó đang nhỏ lại. Chính vì thế, công cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước ta thật không dễ dàng. Chúng ngày một tinh vi; giấu mặt, trá hình ngày một kỹ; luồn lách, len lỏi ngày một giỏi để ngấm ngầm làm thoái hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PHÁT HUY VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN,
BÁO CHÍ, CÔNG LUẬN

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII ngày 14-10-2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Để đấu tranh với tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Trung ương đã thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm giải pháp: về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Muốn nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.

  • Từ khóa
2527

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu