Thứ 6, 29/03/2024 15:28:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:25, 13/02/2018 GMT+7

Ghi chép:

Sưởi ấm những con tim xa xứ

Thứ 3, 13/02/2018 | 08:25:00 196 lượt xem

BP - Sau ngày đưa ông Công, ông Táo về trời, vào ngày 24 tháng chạp năm Đinh Dậu, Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện chuyến công tác từ thiện sang Campuchia và lần này chọn phường Roka Kandal, thành phố Kratie, tỉnh Kratie để tặng quà các hộ Việt kiều đang sinh sống tại đây. Nói tiếp tục là bởi trong năm 2017 và tháng đầu năm 2018, ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã vận động và 4 lần đi tặng quà Việt kiều nghèo ở Campuchia. Cũng phải, bởi ông đã có 6 năm đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và được nhân dân Campuchia, trong đó có kiều bào Việt Nam tại đây thương yêu, che chở.

Qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, xe chạy thêm chừng 100 cây số thì đến địa điểm tặng quà. Dù dọc đường đi, ông Phan Minh Hoàng đã gọi điện báo tin cho ông Trần Văn Sách, Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Kratie là khoảng 11 giờ trưa đoàn mới tới, song bà con vẫn đến rất sớm. Do thủ tục nhập cảnh vào Campuchia hơi lâu nên gần 12 giờ trưa xe mới tới nơi và bà con vẫn kiên nhẫn chờ.

Ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước trao quà tặng các hộ Việt kiều nghèo ở Kratie

 300 phần quà, mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu được chuyển nhanh tới tay bà con. Bà Trần Thị Tụt, quê ở Tân Biên (Tây Ninh) cho biết: Chồng chết, bà cùng 4 đứa con sang đây từ năm 1982. Hằng ngày, bà mua cá ở bến sông mang ra chợ bán lại, lời từ 25-30 ngàn đồng mỗi buổi chợ. Mấy đứa con làm thợ mộc và đều đã có gia đình riêng. Từ khi Chính phủ Campuchia có chủ trương tổng điều tra và thu hồi giấy tờ tùy thân của người nhập cư, các con của bà đành phải trở lại Tây Ninh để bọn trẻ được học hành, bởi bên này không có giấy tờ, chúng không được đi học. Ngay cả gia đình ông Trần Văn Sách, Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Kratie cũng phải chấp nhận chia đôi gia đình. Ông và con trai ở lại Campuchia làm mộc. Vợ ông đưa sắp nhỏ về xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên (Tây Ninh) để tụi nhỏ được đi học.

Ngồi lọt thỏm trong đám đông vì vóc người nhỏ thó, bà Trần Thị Tới, quê xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp nắm chặt 4 tấm phiếu nhận hàng túm tay tôi hỏi, vợ chồng thằng Út ở chung nhà với bà nhưng ăn riêng thì có được nhận quà không? Tôi trả lời, đoàn chỉ vận động đem quà tới, còn việc chia quà cho bà con thì phải nhờ đến Hội Người Campuchia gốc Việt tại đây. Nếu có thắc mắc gì, bà nên gặp ông Sách để được giải đáp. Một chị bên cạnh nói, nhà bà được nhận 4 phần quà còn đòi gì nữa!

Xóm Việt kiều nằm mé bên dòng Mê Kông thơ mộng, song bà con không cảm nhận được sự thơ mộng ấy, bởi cuộc sống hết sức khó khăn. Nhà ông Sách có nghề làm mộc, còn đa số bà con đi làm thuê hoặc buôn bán cá đánh từ sông Mê Kông. Mấy năm gần đây, dòng Mê Kông đoạn chảy qua Kratie xuất hiện những điều bất thường do Chính phủ Campuchia đắp đập thủy điện. Gần đây đã nổi lên những dải cát dài, bóp dòng sông gấp khúc, uốn qua những dãy cồn cao. Mực nước xuống thấp khiến nguồn cá tôm dần cạn kiệt. Không những thế, nguồn nước tưới, nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Những hộ Việt kiều nghèo sống nhờ con tôm, con cá ở dòng sông này bị ảnh hưởng đầu tiên. Gia đình anh Trần Văn Đạt, người mới được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Kratie làm nghề nuôi cá lồng trên sông Mê Kông. Tuy nhiên, do nước thượng nguồn bị chặn làm thay đổi dòng chảy khiến rong, tảo bị chết và dịch bệnh hại cá phát triển. Như vậy, từ những hộ đánh bắt cá, nuôi cá đến buôn bán cá đều bị ảnh hưởng. Cũng may, cộng đồng người Việt ở đây đều quan tâm san sẻ với nhau. Thông qua Hội Người Campuchia gốc Việt, những khó khăn của bà con trong giao dịch với chính quyền sở tại đều được hội hỗ trợ, giúp đỡ.

Tại tỉnh Kratie có 530 hộ Việt kiều với 1.697 người sinh sống. Đa số bà con có nguồn gốc từ Tây Ninh, Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Việt Nam di cư sang. Nhiều gia đình đã sinh sống ở đây 3 thế hệ, thế nhưng gần như 100% không có giấy tờ tùy thân. Từ khi Chính phủ Campuchia tổng điều tra người nhập cư, đã có khoảng gần 100 hộ trở về Việt Nam, trong số đó có mấy chục hộ đang tá túc tại đầu sông Sài Gòn, đoạn qua xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản của Bình Phước và xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Thấy tôi ngó mông lung ra những căn nhà gỗ tạm làm chờm lên bờ sông và hỏi chuẩn bị tết nhất thế nào, chị Nguyễn Thị Liễu, quê xã Đa Phước, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết, hôm qua chị và bà con ở đây cũng cúng ông Công, ông Táo và thả cá xuống dòng Mê Kông theo phong tục quê nhà với hy vọng những con cá thả xuống sẽ giúp gia đình chị cùng bà con Việt kiều ở đây có cuộc sống bớt khó khăn hơn. Chị cũng cho biết cả dãy khoảng bốn chục căn nhà nằm gối lưng lên bờ sông Mê Kông này đều là Việt kiều. Dẫu làm nhà trên đất công, song các hộ Việt kiều vẫn phải trả 30 USD tiền thuê đất mỗi năm. Chị Liễu bảo nghe nói chính quyền thành phố đang có chủ trương giải tỏa những căn nhà này. Hỏi chị nếu bị giải tỏa thì sẽ đi đâu? Chị nói chưa biết, tới đâu thì hay tới đó.

Trong số 530 hộ Việt kiều ở Kratie, có khoảng 200 trẻ em độ tuổi học sinh cấp 1. Vì không có trường cho trẻ em người Việt nên bà con chỉ góp tiền để thuê người dạy song ngữ cho các em với mục tiêu không bị mù chữ chứ không dám mơ học lên cao. Một số gia đình còn người thân ở Việt Nam thì gửi con về nước học. Số không còn người thân ở Việt Nam thì đành để con thất học. Vì thế, ông Trần Văn Sách đã thay mặt bà con đề nghị đoàn từ thiện của Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước vận động tài trợ để giúp bà con xây dựng một ngôi trường tại Kratie. Hội Người Campuchia gốc Việt ở đây sẽ tiếp tục vận động các tổ chức từ thiện khác hỗ trợ mua đất xây trường cho các em. Và bà con rất vui mừng, phấn khởi khi ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước hứa sẽ vận động tài trợ một ngôi trường. Trước mắt, Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Kratie cần thuê người lập phương án và dự toán xây dựng để Hội Nhà báo có cơ sở vận động tài trợ.

Chúng tôi rời phường Roka Kandal, mang theo niềm hy vọng của bà con Việt kiều nghèo nơi đây về một ngày không xa, con em họ sẽ được học trong một ngôi trường khang trang xây lên từ những tấm lòng nhân ái của bà con trong nước. Và dẫu những phần quà mà Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước mang tới chỉ rất nhỏ bé, song cũng phần nào sưởi ấm trái tim những người con xa xứ trong những ngày tết đến, xuân về, để họ thấy rằng họ không bị lãng quên. Họ là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

25 tháng chạp năm Đinh Dậu

Thảo Linh

  • Từ khóa
60238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu