Thứ 6, 29/03/2024 21:41:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:40, 05/04/2018 GMT+7

Sức mạnh của kỷ luật, kỷ cương

Thứ 5, 05/04/2018 | 07:40:00 916 lượt xem
BP - Ngày 26-3-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm ký ban hành Công văn số 706/UBND-NC về tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo về kỷ luật, kỷ cương hành chính?

Công văn số 706/UBND-NC nêu: Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 29-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, hiệu quả công việc được nâng cao hơn. Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm... Việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc còn diễn ra. Lãnh đạo một số sở, ngành chưa nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý dẫn đến tình trạng tham mưu sai, tại cuộc họp thể hiện quan điểm tham mưu rõ ràng nhưng khi về nghiên cứu lại tham mưu theo hướng khác. Trong công tác tham mưu, một số lãnh đạo thể hiện “nước đôi”, đẩy trách nhiệm lên UBND tỉnh...

Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Điều đó được nhắc đến như một chân lý không chỉ với Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn với mọi lực lượng vũ trang trên thế giới. Thực tiễn còn cho thấy, kỷ luật, kỷ cương cũng tạo nên sức mạnh cho một nền hành chính, rộng hơn là một xã hội văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Người cho rằng: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”, đảng viên không những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân. Nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng.

Không ít người cho rằng kỷ luật là mất tự do, giảm sự sáng tạo. Thế nhưng, điều rất đơn giản là tập thể không có kỷ luật chẳng khác gì “một đàn cua trong rổ”.  Vì thế, bên cạnh luật pháp, bất kỳ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức nào cũng đều có nội quy, quy chế, quy định riêng. Nó như “luật chơi” mà ai tham gia tập thể cũng phải chấp hành, nếu không sớm muộn sẽ bị đào thải.

Làm việc trong bộ máy nhà nước hầu hết là đảng viên và tất cả đều ít nhất trong một tập thể. Rất tiếc, Công văn số 706/UBND-NC cho thấy không ít cán bộ, công chức, đảng viên không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, vi phạm Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 29-12-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh, vi phạm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đáng buồn hơn là còn có người đứng đầu, người làm lãnh đạo mà kỷ luật, kỷ cương lại lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm.

Mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương nhỏ phản chiếu nền hành chính của đất nước. Và mỗi tấm gương xấu là một tác động tiêu cực đến kỷ cương xã hội. Trong thực tế, bên cạnh một bộ phận có kỷ luật, kỷ cương kém, phần lớn cán bộ, công chức, đảng viên có kỷ luật, kỷ cương tốt, là những tấm gương sáng. Vì thế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính không chỉ là yêu cầu của nhân dân, mà còn là mong mỏi của cả cán bộ, công chức, đảng viên có kỷ luật, kỷ cương tốt. Bởi không ai muốn mình xếp chung hàng với “những con cua trong rổ”.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu