Thứ 7, 20/04/2024 13:31:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:35, 10/09/2019 GMT+7

Sức mạnh của đối thoại, tranh tụng

Thứ 3, 10/09/2019 | 09:35:00 175 lượt xem

BP - Như Báo Bình Phước đưa tin, ngày 27-8-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm ký ban hành Công văn số 2463/UBND-NC yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Đây không phải việc mới, nhưng là yêu cầu bức thiết trước tình trạng chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính có xu hướng tăng.

>> Nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thi hành án hành chính

Theo số liệu của ủy ban Tư pháp Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban này ngày 22-8-2018, chỉ trong 3 năm (2015, 2016, 2017), cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án nhân dân. Tuy nhiên, việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính ở nhiều địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc. Chỉ trong 3 năm gần đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa vụ án nào chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố tham gia tố tụng. Năm 2017, TP. Hồ Chí Minh có 260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do chủ tịch, phó chủ tịch vắng mặt. Tương tự, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khác vắng mặt tại phiên xử ở Bắc Giang là 53/56 vụ, Hải Phòng 17/17 vụ...

Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định, người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện tham gia tố tụng. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, khi nhận được thông báo triệu tập của tòa án, người bị kiện hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị kiện là chủ tịch UBND thường ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cấp phó được ủy quyền lại có văn bản xin vắng mặt, dù không trái luật nhưng làm giảm đi nguyên tắc tranh tụng và kéo dài việc giải quyết vụ án, dẫn đến có ý kiến cho rằng “con kiến mà kiện củ khoai...”. Đây cũng là một trong những lý do khiến án hành chính luôn tồn đọng ở mức cao.

Thực tiễn cho thấy, những vụ án có người bị kiện trực tiếp tham gia phiên tòa thì chất lượng tranh tụng cao, bản chất vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ, nhất là ở lĩnh vực thường dẫn tới khiếu kiện là đất đai. Nhiều vụ án thông qua tranh tụng có sự tham gia đầy đủ của các bên đương sự đã làm thay đổi cục diện vụ việc. Đã có trường hợp người bị kiện chủ động sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các quyết định hành chính, chấm dứt thực hiện các hành vi hành chính ngay khi phát hiện có vi phạm. Hoặc nhiều trường hợp người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện hay tự nguyện rút đơn khởi kiện.

Để pháp luật được thực hiện ở mức cao nhất trước hết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp trong công tác quản lý, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết, hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm làm phát sinh khiếu kiện hành chính. Song song đó, cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi những vướng mắc, bất cập liên quan đến việc cử người đại diện tham gia tố tụng giải quyết án hành chính tại tòa án nhân dân, tránh cứng nhắc, gây khó nhau. Tuy nhiên, vẫn phải quy định mang tính bắt buộc chủ tịch UBND tham dự đầy đủ phiên đối thoại, phiên tòa theo yêu cầu của tòa án. Niềm tin của người dân càng được củng cố khi sức mạnh của tinh thần trách nhiệm và sự đối thoại, tranh tụng trước tòa được thực hiện ở mức cao nhất.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
109184

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu