Thứ 6, 29/03/2024 13:40:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:40, 06/11/2019 GMT+7

Sức lan tỏa từ một chương trình

Thứ 4, 06/11/2019 | 13:40:00 552 lượt xem
BP - Từ chương trình “Nghĩa tình Sông Bé yêu thương” do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát động, trong 3 năm (2017-2019), Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.629 căn nhà, với tổng trị giá 86,21 tỷ đồng cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số. Bằng ý chí và nghị lực cùng với sự hỗ trợ, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

CÓ AN CƯ MỚI LẠC NGHIỆP

Từ chương trình, năm 2017, vợ chồng chị Thị Út ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Qua 3 năm chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình chị đã chuyển biến tích cực. Ngoài chăm sóc 2 sào cà phê, anh chị nhận trút mủ cao su, bóc vỏ lụa hạt điều, làm công khi có người thuê, tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh rỗi, anh chị hái rau, măng rừng, bắt cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Chị Thị Út nói: Nhớ lời dặn của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi tặng nhà, vợ chồng tôi luôn tích cực lao động. Gia đình tôi giờ đã có cuộc sống ổn định hơn.

Anh Điểu Thành (ngoài cùng bên phải) ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập dẫn cán bộ xã tham quan vườn cao su của gia đình

Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Trần Ngọc Thiện khẳng định: Ngoài các nguồn hỗ trợ như vay vốn, cây - con giống, đào tạo nghề..., việc xây dựng nhà đại đoàn kết có ý nghĩa quan trọng, tạo đà và là bước đệm vững chắc cho các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, xã tiếp tục giúp các hộ khó khăn tiếp cận nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Cũng được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hộ anh Điểu Ban ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã lập thời gian biểu làm việc cụ thể cho các thành viên trong gia đình. Buổi sáng lúc chờ trút mủ cao su, vợ chồng anh tranh thủ đi cắt cỏ, kiếm củi, hái rau rừng để bán kiếm thêm thu nhập; chiều về chăn trâu và nhận bóc vỏ lụa hạt điều; mức thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sau 1 năm chăn trâu thuê, anh được trả công 1 con để làm vốn. Hiện gia đình anh đã thoát nghèo và có cuộc sống được cải thiện hơn.

TÍN HIỆU VUI TRONGGIẢM NGHÈO

Gia đình anh Điểu Thành ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn và bà Thị Nêm, thôn 6, xã An Khương, huyện Hớn Quản là 2 gương điển hình tiêu biểu về ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Xuất phát từ nghèo khó, đến nay họ đã có tài sản hàng trăm triệu đồng. Đây là minh chứng sinh động về hiệu quả và sức lan tỏa từ chương trình đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Gia đình anh Điểu Thành có 7 người, trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi kinh tế phụ thuộc vào tiền làm thuê hằng ngày của 2 vợ chồng anh. Năm 2017, được Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, gia đình anh góp thêm 12 triệu đồng để căn nhà thêm khang trang. Được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh vay 40 triệu đồng mua 4 con trâu và đầu tư chăm sóc 1,1 ha điều, cao su do cha mẹ cho. Nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên đàn trâu của gia đình anh phát triển tốt; vườn cao su, điều cho năng suất và trị giá sản lượng cao. Hiện gia đình anh có tài sản khoảng 600 triệu đồng. Anh Điểu Thành cho biết: Nguồn thu từ 5 sào điều, 6 sào cao su, tiền bán phân trâu, tiền công từ bóc vỏ lụa hạt điều, hằng tháng gia đình thu nhập khoảng 10 triệu đồng, từ đó giúp nâng cao mức sống.

Vợ chồng chị Thị Út, thôn Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) chăm sóc vườn cà phê của gia đình

“Giúp các hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sớm ổn định và vươn lên trong cuộc sống, xã mở các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi; thực hiện mô hình mỗi đoàn thể giúp đỡ 3 hộ nghèo... đến nay, xã có 15 hộ thoát nghèo bền vững” - Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Văn Phạm Thanh Loan cho biết.

Bà Thị Nêm là gương điển hình thoát nghèo của xã An Khương. Chồng mất, một mình bà nuôi 5 người con với bao lo toan, vất vả. Năm 2017, cuộc sống gia đình bà bước sang trang mới khi được Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Thoát cảnh ở nhà tranh tre, dột nát, mẹ con bà tập trung lao động để ổn định cuộc sống. Ngoài cạo mủ cao su thuê, gia đình bà còn chăm sóc 2 sào điều, chăn nuôi 4 con trâu trưởng thành (do chủ trâu trả công hằng năm). Hiện gia đình bà có tài sản trị giá hơn 400 triệu đồng. Bà Thị Nêm cho biết: “Thấy nhiều ruộng bỏ không, tôi mượn chủ đất để trồng lúa. Vụ mùa vừa qua, tôi thu được 10 bao lúa (khoảng 600kg), chia lại cho chủ đất 2 bao, số còn lại xay phục vụ bữa ăn cho cả gia đình. Nhờ được cán bộ thôn, xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh nên đàn trâu luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Nhiều thương lái hỏi mua với giá cao nhưng tôi không bán”.

Và những giải pháp căn cơ

Là ấp có nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số nhất của xã An Khương, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hiện ấp 6 đã xóa xong hộ nghèo. “Từ kinh nghiệm của địa phương, để công tác giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả, bền vững, lâu dài, ngoài hỗ trợ nhà ở, nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật, sự chung tay góp sức của cộng đồng, giải pháp căn cơ nhất là các hộ nghèo phải có ý thức tự giác vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững” - ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng ấp 6, xã An Khương nói.

“Ngoài ra, các cấp, ngành phải chủ động rà soát nhu cầu của người dân để hỗ trợ; định hướng chính sách phát triển kinh tế phù hợp thực tế của địa phương; tư vấn và giới thiệu việc làm để tạo thu nhập ổn định; chú trọng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức tham quan học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để áp dụng phù hợp” - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Khương Nguyễn Văn Lộc chia sẻ. Hiện nay, xã An Khương đã giới thiệu 500 con em người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp, với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo hiệu quả cần được nhân rộng.

Trọng Phước

  • Từ khóa
94644

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu