Thứ 6, 29/03/2024 00:43:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 07:57, 02/12/2016 GMT+7

Sức bật của vovinam ở Lộc Ninh

Thứ 6, 02/12/2016 | 07:57:00 478 lượt xem
BP - Do được đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức nhiều giải đấu nên phong trào tập luyện Việt võ đạo (vovinam) ở Lộc Ninh những năm qua phát triển vượt bậc, thu hút đông các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ phong trào, nhiều câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm vovinam được thành lập, tạo sân chơi lành mạnh và khăng khít thêm khối đại đoàn kết toàn dân.

NGÀY ĐẦU GIAN KHÓ

Năm 1978, phong trào tập luyện vovinam có quy mô lớp học xuất hiện tại Bù Đốp do huấn luyện viên Phan Văn Lành, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thiện huấn luyện tại nhà với khoảng 10 môn sinh. Năm 2010, vovinam phát triển mạnh ở một số huyện, thị xã như Đồng Xoài, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Chơn Thành. Tại Lộc Ninh, phong trào tập luyện vovinam chủ yếu ở thị trấn và các xã Lộc Thái, Lộc Thiện. Các xã xa trung tâm huyện, có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, mức sống thấp nên phong trào tập luyện vovinam và các môn thể thao khác đều gặp khó.

Võ sư Nguyễn Duy Ngọc truyền lửa đam mê vovinam cho học trò

Năm 2010, võ sư Nguyễn Duy Ngọc xin mở lớp chiêu sinh vovinam tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện với quyết tâm “ươm mầm” môn võ của dân tộc. Thời gian đó, taekwondo và võ cổ truyền đang phát triển mạnh và thu hút quần chúng tham gia, trong khi vovinam còn mới lạ với người dân Lộc Ninh nên lớp của võ sư Ngọc chỉ vỏn vẹn 3 học viên đăng ký. Không nản lòng, anh kiên trì truyền dạy cho 3 môn sinh, đồng thời in, phát tờ rơi, treo băng rôn, dán quảng cáo để thu hút người đến học. Sau 3 tháng miệt mài, lớp học của anh đã có thêm hàng chục học viên mới. Anh nhớ lại: “Tôi không có vốn để xây dựng sân bãi và mua sắm các dụng cụ tập luyện. Vì vậy, học viên đều phải tập luyện ngoài trời mà không có dụng cụ hỗ trợ. Những ngày mưa gió, cả lớp phải mượn sân của trung tâm làm chỗ tập dù rất chật hẹp. Để các môn sinh đều được tập luyện, tôi phải “chia ca” dựa vào lịch học của các em. Về sau, từ nguồn học phí của môn sinh, tôi đã mua được thảm tập nhưng vẫn không đủ dùng. Nhiều em bị ngã sứt đầu mẻ trán, xây xát chân tay do phải tập trên sân xi măng khi luyện các bài đối kháng. Tôi đã cố gắng động viên, khích lệ và làm trỗi dậy niềm yêu thích vovinam trong học viên để các em hiểu, kiên trì luyện tập”.

VÀ NHỮNG “TRÁI NGỌT” ĐẦU TIÊN

Nhận thức được lợi ích của tập luyện vovinam và hưởng ứng cuộc vận động “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Lộc Ninh đã dành kinh phí lớn để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển thể thao quần chúng. Huyện đã quy hoạch và xây dựng các sân, bãi tập thể thao tại thị trấn và 15 xã. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức các giải đấu phong trào thường niên, tạo cơ hội giao lưu cho những người yêu thích vovinam. Trước mỗi giải đấu, trung tâm phối hợp với Phòng GD-ĐT, các đơn vị, trường học, xã, khu phố, đài phát thanh thông tin trên diện rộng nhằm thu hút đông người dân tham gia.

Hiện ngoài 17 CLB đang hoạt động, các đội, nhóm tập luyện vovinam tại Lộc Ninh ngày càng nhiều, nhất là trong các trường học. Cùng với việc đưa vovinam vào chương trình học ngoại khóa,  giáo viên tại các trường trong huyện còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ. Tại các CLB, thành viên đều tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/người/tháng tạo quỹ phát triển phong trào. Riêng lớp học của võ sư Nguyễn Duy Ngọc thu hút 30 học viên. Từ nguồn học phí, anh mua thêm nhiều thảm tập, áo đấu và đưa các em đi thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ. Từ năm 2012, những người tập còn lập một fanpage có tên “Vovinam Lộc Ninh” để giao lưu, truyền lửa đam mê.

Sau mỗi buổi học, em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh Trường THCS Lộc Tấn (Lộc Ninh) lại cùng các bạn đến CLB vovinam của trường tập luyện. Phúc nói: “Vovinam là môn võ của dân tộc nên rất phù hợp với thể chất người Việt Nam. Nhờ tập vovinam, em di chuyển nhanh gọn, né đòn, cải thiện sức khỏe và có được tinh thần thoải mái sau những giờ học căng thẳng”. Nhiều phụ huynh có con sinh hoạt tại các CLB vovinam cho hay, tập luyện võ dân tộc là một trong những cách giáo dục tinh thần yêu nước. Tại các giải đấu, các em còn có cơ hội gặp gỡ, làm quen với nhiều bạn có cùng sở thích, đam mê, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Vì vậy các CLB, đội, nhóm vovinam đang là ưu tiên số 1 cho nhiều phụ huynh khi lựa chọn hoạt động ngoại khóa cho con em mình.

Cùng với phát triển thể thao phong trào, huyện còn thành lập, bồi dưỡng vận động viên tham gia giải thành tích cao của tỉnh. Dù chưa có vận động viên đẳng cấp, nhưng vovinam Lộc Ninh cũng đã gặt hái được những thành công đầu tiên. Đến nay, Lộc Ninh đã giành 2 huy chương vàng tại hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2011 và giải vô địch vovinam Bình Phước năm 2016. Nhiều võ sinh vovinam đã trúng tuyển Trường đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, như: Trương Phương Thảo, Huỳnh Ngọc Châu. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện nhận định: “Nhiều thiếu niên tại huyện đam mê và có tố chất để trở thành các vận động viên vovinam chuyên nghiệp. Thời gian tới, trung tâm rất mong được chính quyền và ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ để cải thiện thành tích của vovinam Lộc Ninh”.

Thế Tường

  • Từ khóa
101351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu