Thứ 3, 16/04/2024 22:45:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:00, 08/11/2016 GMT+7

Sự vu khống trắng trợn

Thứ 3, 08/11/2016 | 14:00:00 1,425 lượt xem
BP - Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những trang mạng không chính thống đăng tải nhiều bài viết cáo buộc Việt Minh là thủ phạm gây ra nạn đói năm 1945, làm 2 triệu đồng bào bị chết. Nực cười hơn, có trang mạng còn cho rằng, Việt Minh “bắt tay” với Pháp và Nhật gây ra nạn đói khủng khiếp này (?!)... Xin khẳng định đó là những vu khống trắng trợn, xuyên tạc lịch sử.

Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Chính phủ phản động Pháp bị cuốn vào vòng chiến nên đã cho thực hiện hàng loạt chính sách đàn áp các lực lượng cộng sản, tiến bộ ở trong nước và thuộc địa. Tại Việt Nam, thực dân Pháp lập ngay chế độ quân nhân phát xít tàn bạo và thực hiện đại khủng bố. Chúng ban bố lệnh tổng động viên, tăng cường vơ vét sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Đó là tăng thuế, trưng thu, trưng dụng các xí nghiệp tư nhân; kiểm soát trực tiếp, gắt gao sản xuất và phân phối, xuất - nhập khẩu.

Lợi dụng lúc thực dân Pháp đang thua Đức, ngày 22-9-1940, quân đội Nhật Bản tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ vào Hải Phòng. Chỉ một ngày sau đó, Pháp ký hiệp định đầu hàng Nhật. Nhân dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, cùng cực của nỗi khổ. Ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của gần 1 triệu người tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại sự kiện này: “...Từ đó dân ta chịu 2 tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn”. Ngay khi vào nước ta, phát xít Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế như buộc thực dân Pháp phải cung cấp nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, tiền bạc; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc... Thực dân Pháp cũng sử dụng nhiều thủ đoạn để bóc lột nhân dân ta như tăng thuế, đặc biệt là nhổ lúa trồng đay, trồng cây thuốc phiện...

Theo nghiên cứu của giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và giáo sư Furuta Moto (người Nhật): Nhật buộc Pháp ký một hiệp ước kinh tế. Theo đó, hằng năm, Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật (mỗi năm từ 700 ngàn đến 1,3 triệu tấn, tương đương 50-80% tổng sản lượng lương thực Việt Nam có được thời đó). Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa, nhưng Pháp và chính quyền phong kiến vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900 ngàn tấn gạo làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu và đốt lò thay cho than đá. Năm 1940, diện tích trồng đay ở nước ta chỉ 5.000 ha nhưng đến năm 1944 đã tăng lên 45 ngàn ha.

Hàng loạt các chính sách bóc lột hà khắc đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ta. Không chỉ nông dân, công nhân, người lao động mà cả tầng lớp tiểu tư sản cũng bị thực dân Pháp và phát xít Nhật cưỡng bức, tăng thuế, tịch thu ruộng đất. Bên cạnh đó, năm 1945, trận lũ khủng khiếp đã gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh miền Bắc. Sau cơn lũ, bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp, cộng với không có thuốc men, lương thực, góp phần làm cho nạn đói càng thêm trầm trọng. Nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945 đã làm hơn 2 triệu đồng bào ta ở miền Bắc bị chết đói; hàng triệu đồng bào khác ở miền Trung, miền Nam sống cũng như chết, gây bao đau thương, tang tóc cho dân tộc Việt Nam.

Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình” xuất bản năm 1986 ghi: “Năm 1945, cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25% tổng dân số. Nhiều địa phương chết tới trên 50% dân số, như: xã Tây Lương: 67%; Sơn Thọ, Thụy Anh (Thái Thụy): 79%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai...”. Nam Định cũng trên 210 ngàn người bị chết đói...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã so sánh: “Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết 1 triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người”.

Trước tình hình nêu trên, Đảng ta đã kịp thời đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Phong trào phá kho thóc cứu đói diễn ra khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc. Hàng ngàn kho thóc của Nhật bị phá, trong đó có kho chứa tới 5.000 tấn. Không chỉ từng bước giải quyết được nạn đói, phong trào nói trên còn đưa hàng triệu quần chúng đi từ đấu tranh quyền lợi kinh tế đến giác ngộ chính trị, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 3 nhiệm vụ lớn, mang tính cấp bách: Diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và diệt giặc ngoại xâm. Để giải quyết nạn đói, Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo”. Và Người đã 3 ngày nhịn ăn một bữa, tự mình tăng gia sản xuất, làm gương cho mọi người noi theo.

Như vậy, ai gây ra nạn đói năm 1945 làm 2 triệu đồng bào bị chết? Việt Minh có “bắt tay” với Pháp và Nhật để gây ra nạn đói thì đã rõ. Rất nhiều tư liệu ở trong, ngoài nước và những nhân chứng sống của nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã chứng minh điều đó. Chỉ có Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên dân tộc Việt Nam mới vượt qua được nạn đói và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hoàng Ngọc
* Bài viết có tham khảo nhiều tài liệu lịch sử và bài viết của các đồng nghiệp

  • Từ khóa
2538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu