Thứ 6, 29/03/2024 16:04:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:15, 20/11/2019 GMT+7

Sự tôn vinh khác

Thứ 4, 20/11/2019 | 15:15:00 222 lượt xem
BP - Hôm nay 20-11, ai cũng biết là Ngày nhà giáo Việt Nam, ngày tôn vinh những người làm nghề giáo. Như vậy liệu đã đủ?

Tháng 7-1946, Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là FISE - viết tắt của cụm từ có nghĩa là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục. Năm 1949, tại hội nghị ở Vacsxava (Ba Lan), FISE đã xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo”, gồm 15 chương, nội dung chủ yếu là xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp làm thành viên của FISE năm 1953. Tháng 8-1957, hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20-11 làm “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày 28-9-1982, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20-11 là Ngày nhà giáo Việt Nam.

Nêu như vậy để thấy không chỉ người Việt Nam có ngày nhà giáo và cũng không chỉ người Việt Nam có truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo. Khác là mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc có một cách thể hiện khác nhau. Với người Việt Nam, thái độ tôn kính, lễ phép với thầy giáo của mình hay với người làm nghề giáo nói chung, là thể hiện rõ nhất “tôn sư trọng đạo” - kính trọng người làm nghề giáo, coi trọng lời thầy dạy, coi trọng đạo lý làm người. Với văn hóa châu Âu, “tôn sư trọng đạo” thể hiện rõ nhất là sự độc lập trong tư duy (không lệ thuộc vào thầy, không “sao chép” thầy)... Mỗi cách thể hiện đều lý giải cho các quan niệm văn hóa khác nhau và đều có lý riêng, có nét đẹp riêng. Và ngày hiến chương các nhà giáo ở mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa cũng khác nhau.

Ở nước ta, những năm trở lại đây càng có nhiều ý kiến về việc ý nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam giảm đi, thậm chí mất đi ý nghĩa thật sự của nó khi vật chất đặt nặng hơn tinh thần, hơn tình cảm. Để khẳng định vấn đề này không dễ. Bởi nó phải được đặt trong bối cảnh lịch sử, xã hội. Ông đồ xưa không như nhà giáo hiện nay. Rõ nhất về sự khác biệt là tính chuyên nghiệp của cả người dạy, người học và quản lý giáo dục. Ngày nay, thầy cô giáo, những người làm nghề giáo hay một cách gọi nào đi nữa cũng được xem là một nghề như bao nghề khác trong xã hội - là một nghề để mưu sinh.

Nói như vậy, không phải người làm nghề giáo bây giờ không có đạo của người làm thầy, mà dần chuyển sang một hình thức mới, một cách thể hiện khác. Không còn lúc nào thầy cũng như cha, trò như con và thầy thì luôn đúng... Nền Nho học còn sắp xếp thứ tự vị trí trong xã hội “quân, sư, phụ”, cao nhất là vua, rồi tới thầy, mới tới cha mẹ. Đạo của người làm thầy ngày nay là làm tốt nhất vị trí, vai trò người đồng hành với học trò trên đường chinh phục tri thức.

Thời xưa, không có ngày hiến chương nhà giáo nhưng ngày nào cũng là ngày hiến chương nhà giáo. Hôm nay, đó là ngày thầy và trò cùng được nghỉ học hoặc được nghỉ sớm. Trong số các nhà giáo ấy, người muốn được vui vầy bên học trò, đồng nghiệp, bạn bè, người muốn tranh thủ đi mua sắm dịp giảm giá, người lại muốn được... ngủ vì “cày ải” nhiều.

Đò nào, sào ấy hay thầy nào, trò ấy. Thầy - trò mỗi thời điểm, đặt trong bối cảnh khác nhau, vẫn là mối quan hệ thầy - trò, nhưng sẽ có cách ứng xử khác nhau. Ngày hiến chương các nhà giáo cũng thế, sẽ có và cần có sự tôn vinh khác mới đúng ý nghĩa của nó.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu