Thứ 6, 29/03/2024 06:07:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:13, 08/11/2014 GMT+7

Sự thay đổi cần thiết

Thứ 7, 08/11/2014 | 08:13:00 100 lượt xem

BP - Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước kỳ họp thứ 8, khóa XIII cho thấy có nhiều điểm mới so bộ luật hiện hành. Đặc biệt là những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo đã theo hướng điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Và một trong những điểm đáng quan tâm là tại các điều 12 và 13 trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định về việc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng xét xử. Đây là điểm mới khác biệt so bộ luật hiện hành và theo quan điểm của cá nhân người viết thì đây là một quy định rất cần thiết. Vì, thứ nhất là thực tế ở nước ta thời gian qua cho thấy, do thiếu quy định này trong luật nên không ít trường hợp tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân. Hơn thế nữa, quy định nói trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo trách nhiệm của Chính phủ, tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, nếu trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết. Cụ thể, trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định thì thẩm phán áp dụng tập quán (điều này đã được quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành). Còn trong trường hợp không có tập quán thì thẩm phán sẽ áp dụng tương tự pháp luật. Và trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì thẩm phán sẽ áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và “lẽ công bằng” để giải quyết vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là quy định này hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nên không dễ áp dựng vào thực tiễn. Cụ thể là mặc dù Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định cho phép áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, nhưng trong thời gian qua việc thực thi còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể là tòa án còn lúng túng trong áp dụng quy định tập quán để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện nào thì được áp dụng tập quán. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng.

Vướng mắc thứ hai là việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Do đó, vấn đề thứ hai đặt ra ở đây là cần quy định rõ thế nào là “áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự” trong Bộ luật Dân sự để làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật khi xét xử.

Vướng mắc thứ ba là việc giải quyết vụ việc “dựa trên lẽ công bằng” là một quy định mới nhưng hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ thế nào là “lẽ công bằng”. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân. Có như vậy thì quy định của pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống và tính dân chủ, công bằng trong pháp luật mới thực sự được phát huy.

Hải An

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu