Thứ 6, 19/04/2024 13:47:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:38, 12/08/2017 GMT+7

Sự thật về chuyện đỉa tấn công người ở Lộc Khánh

Thứ 7, 12/08/2017 | 08:38:00 1,042 lượt xem

BP - Việc “đỉa bò vào tận nhà tấn công người” ở tổ 10, ấp Cần Lê, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) được nhiều tờ báo, kể cả VTV1 đưa thông tin như trong phim “kinh dị” của Mỹ đã làm xôn xao dư luận, tạo sự bất an trong cuộc sống của đồng bào S’tiêng, Khơme nơi đây. Xuống thực tế, chúng tôi chứng minh: Đỉa có trong tất cả ao hồ, ruộng lúa ở Lộc Khánh chứ không riêng gì tổ 10, ấp Cần Lê. Và đó cũng là chuyện bình thường ở tất cả vùng nông thôn chứ không phải đỉa “quá tải” bò vào “tấn công” người như các báo đã thông tin…

ĐỈA CÓ Ở SUỐI LẠNH LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG

Suối Lạnh chảy qua trước sân nhà ông Điểu Diên (56 tuổi) ở tổ 10, ấp Cần Lê. Ông Điểu Diên từ Sóc Bế, xã Thanh Phú (Bình Long) vào định canh, định cư ở Cần Lê theo chính sách của địa phương đã 15 năm. Ông Diên cho biết, suối Lạnh cũng như nhiều suối khác đều có đỉa. Do ở sát bờ suối nên khi có mưa lớn, kéo dài, nước suối dâng cao tràn vào sân, vườn và ngập gần tới đầu gối người lớn (0,3-0,4m). Đỉa cũng như các loại cá theo dòng chảy của nước nên vào sân không chỉ năm nay mà đã nhiều năm. Ông Diên và rất nhiều người S’tiêng khác coi đỉa là chuyện bình thường vì từ nhỏ khi hái rau, măng dọc con suối vào mùa mưa từng bị đỉa bám nhiều lần.

Khuấy nước ở suối Lạnh gần 10 phút mới phát hiện 1 con đỉa bơi tới

Nhà ông Điểu My (54 tuổi) - bà Thị Thu (50 tuổi) giữa ruộng lúa, phía trước là suối Lạnh chảy qua khoảng 50m. Thế nhưng, vất vả vượt qua 100m đường sình lầy có nhiều cây cỏ che lấp, chúng tôi mới đến được sân nhà ông Điểu My. Cũng nuôi bò thuê như nhiều hộ khác (250 ngàn đồng/con/tháng) và do nằm giữa vùng trũng nên quanh nhà ông My có nhiều nước đọng, kể cả khi trời không mưa, nước suối đã rút. Quan sát, chúng tôi thấy rất nhiều người thả trâu dọc con suối gần nhà ông My.

Ông My có 6 con, trong đó 4 người đã lập gia đình. Ông My cũng xác nhận là có đỉa bò vào sân nhà theo con nước khi có mưa. Tuần trước, cháu ngoại (2,5 tuổi) khi vọc nước ở vũng gần sân bị đỉa bám nên vợ chồng ông đưa về bên nội vì lo lắng đỉa chui vào tai, mũi, bụng... Điều đáng nói là sống ở gần suối, giữa vùng trũng nhưng vợ chồng, con ông My lại rất sợ đỉa. Bà Thị Thu khi bị đỉa bám đã chạy khắp xóm la hét, có khi còn ngất xỉu... Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh, ông My không còn hoảng sợ mà mua vôi rải ở sân, xung quanh nhà để phòng trừ đỉa.

ĐỈA NHIỀU HƠN CÁC NĂM KHÁC  

Ấp Cần Lê là khu định canh, định cư của 41 hộ ở Lộc Ninh, huyện Bình Long (cũ) vào đầu những năm 2000. Đối diện bên kia con suối Lạnh là vườn, rẫy của các hộ S’tiêng ấp 2, xã Thanh Phú. Chòi của ông Điểu Rô (70 tuổi) - bà Thị Ten (72 tuổi) ở trên đồi cao, phía dưới giáp với suối Lạnh trồng các loại cây ngắn ngày. Ông Rô xác nhận đỉa có ở các ao hồ, vũng nước trâu tắm. Đặc biệt, khu vực này khoảng chục năm trước người dân đào nhiều ao để lấy nước tưới. Sau khi nhận tiền đền bù do nằm trong quy hoạch của Nhà máy Xi măng Bình Phước, họ bỏ hoang các ao, hồ nên tạo môi trường cho đỉa ẩn náu, sinh sôi. 

Lý giải hiện tượng đỉa nhiều hơn những năm trước, anh Điểu Phan (43 tuổi), con trai ông Rô cho rằng, do năm nay mưa nhiều hơn các năm trước, kể cả trong mùa khô suối Lạnh vẫn đầy nước nên khu vực trũng lại càng ẩm ướt. Thêm vào đó, trước đây quy hoạch nhà máy xi măng nên người dân ít đầu tư thâm canh, tạo môi trường tốt cho đỉa ẩn náu, sinh sản khi không chịu tác động của thuốc bảo vệ thực vật.

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết, cách khoảng 2km thuộc ấp Đồi Đá (Lộc Khánh) có hơn 500 ha quy hoạch nhà ở cho công nhân nhà máy xi măng nhiều năm bỏ hoang, không canh tác, không có tác động của các loại thuốc bảo vệ thực vật và là nơi chăn thả hàng trăm con trâu của đồng bào Khơme, S’tiêng... đã góp phần tạo môi trường cho đỉa sinh sôi và “di cư” theo dòng chảy của suối Lạnh.

không có VIỆC “ĐỈA TẤN CÔNG NGƯỜI”

Để xác minh sự thật, chúng tôi cùng ông Điểu My ra suối Lạnh dùng cây khuấy nước, tạo tiếng động thu hút đỉa. Khuấy khoảng gần 10 phút mới phát hiện 1 con bơi tới, chứ không phải bu đen đặc như miêu tả của các báo, đài. Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết, ngày 7-8, để xác minh chuyện “đỉa bò vào nhà dân tấn công” như các báo thông tin, khi lội xuống suối Lạnh trước sân nhà ông My thấy có đỉa bám vào kẽ giữa ngón chân, nhưng đó là chuyện bình thường ở vùng nông thôn Lộc Khánh.         

Ông Điểu Diên cho biết: Mưa lớn, đỉa cũng như các loại cá khác theo con nước ở suối Lạnh tràn vào sân là chuyện bình thường

Những ngày đầu tháng 8, con trai ông Điểu My là Điểu Huỳnh Tỷ nghỉ hè về nhà đã đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook. Cũng như cha mẹ, Điểu Tỷ Huỳnh rất sợ đỉa. Từ một mẩu tin với vài trăm chữ trên Facebook thế nhưng một số người đã... thổi phồng chuyện con đỉa ở tổ 10, ấp Cần Lê na ná như trong các bộ phim kinh dị của Mỹ.

Tuy nhiên, khi nắm thông tin thực tế tại địa bàn và tất cả người dân tổ 10, chúng tôi được biết việc đỉa có ở suối Lạnh là chuyện bình thường. Không có tình trạng người dân sợ đỉa kể cả khi đi trên đường hoặc bỏ ruộng lúa không canh tác, không soi cua, bắt cá như các báo đã đưa tin.

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cho biết, do nhiều tờ báo đã quá “thêu dệt” chuyện đỉa bò vào nhà dân tấn công người nên gây xôn xao dư luận trong xã. Một số người còn gọi điện thoại, trực tiếp lên UBND xã hỏi “có hay không chuyện đỉa bò vào nhà tấn công người?”... Nhiều phóng viên điện thoại hỏi đều được xã cung cấp số điện thoại của các “nhân vật” mà các báo đưa tin để xác minh sự thật. 

Tại ấp Cần Lê, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh đã trực tiếp hướng dẫn các hộ dân khơi thông rãnh thoát nước xung quanh nhà để cây trồng không bị chết vì ngậm nước; vệ sinh quang đãng, không để các vũng nước ẩm thấp trong vườn, xung quanh nhà làm nơi cho đỉa ẩn náu, đồng thời tạo môi trường sinh sôi lăng quăng, muỗi gây nguy cơ mắc sốt xuất huyết, sốt rét...

Phương Hà

  • Từ khóa
93336

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu