Thứ 4, 24/04/2024 15:59:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:01, 28/03/2016 GMT+7

Sự phát triển của chiến tranh du kích nhìn từ một chiến dịch

Thứ 2, 28/03/2016 | 08:01:00 3,106 lượt xem
BPO - Chiến dịch Long Châu Hà 1 đã để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch chính xác linh hoạt, phù hợp cách đánh của lực lượng du kích...

Cuối năm 1950, việc củng cố tổ chức hành chính các tỉnh miền Tây Nam Bộ đi đôi với xây dựng, kiện toàn lực lượng vũ trang của Khu 9. Lực lượng du kích trên địa bàn chiến dịch Long Châu Hà 1 (từ ngày 3 đến 12-10-1950 trên địa bàn các huyện Tịnh Biên, Châu Thành, Tri  Tôn, thuộc tỉnh Long Châu Hậu - nay thuộc tỉnh An Giang) ngày càng phát triển và đã trở thành một thành phần trong lực lượng vũ trang ta. Nhiều trung đội du kích trưởng thành trong chiến đấu đã phát triển thành các tiểu đội, đại đội bộ đội địa phương, bổ sung phát triển lực lượng cho chiến dịch.


Nữ du kích miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu 

Trên địa bàn chiến dịch Long Châu Hà 1, ngoài các đơn vị du kích tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Thoại Sơn còn có Tiểu đoàn 406; ở Long Châu Sa, ngoài Đại đội 1035 của Phú Châu còn có Tiểu đoàn 311 được Khu 9 tăng cường về làm bộ đội địa phương tỉnh. Để tiếp tục thúc đẩy chiến tranh du kích, Bộ tư lệnh Khu 9 chỉ đạo tập trung vào giúp đỡ du kích các huyện: Châu Thành, Châu Phú A, thuộc Long Châu Hà; Lấp Vò, Chợ Mới và Phú Châu thuộc Long Châu Sa. Các nơi khác chuẩn bị chiến trường phụ có nhiệm vụ phối hợp hoạt động với chiến trường chính trên địa bàn chiến dịch, hỗ trợ du kích phát triển chiến đấu. Đây cũng là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức và thực hành chiến tranh du kích trong điều kiện mới.

Thực tiễn chiến dịch Long Châu Hà 1 đã đáp ứng yêu cầu cả về tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở mảng, giành dân và phát triển lực lượng du kích, làm thất bại âm mưu mở rộng vùng chiếm đóng của địch. Kết quả chiến dịch đã thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích trong vùng địch hậu miền Tây Nam Bộ phát triển lên một bước mới; từng bước tạo thế để chuyển sang thời kỳ tổng phản công, mở rộng vùng giải phóng trên hai hướng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia và tạo sự liên kết giữa Khu 7, Khu 8 với Khu 9, hình thành thế chiến lược ở miền Tây Nam Bộ.

Khi thực hành chiến dịch, ta tổ chức lực lượng bộ đội địa phương hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với du kích đánh viện binh địch bằng nhiều biện pháp như: Vận động tiến công, phục kích, tập kích; truy kích địch; bức rút các đồn, bốt, tháp canh. Các đơn vị tham gia chiến dịch đã tổ chức các đội dân quân du kích, các đợt vũ trang tuyên truyền, kết hợp đánh phá giao thông, từng bước bao vây cô lập đồn, buộc địch trong hệ thống lô cốt phải rút chạy... Kết quả trận đánh đồn Vĩnh Trung, ta tiêu diệt 27 tên, phá 2 xe quân sự, đánh sập cầu Cây Me, phá nhiều đoạn giao thông từ Vĩnh Thông vào Núi Tượng, làm chủ đoạn đường từ Tri Tôn tới cầu Sắt Khơ-me. Du kích Châu Phú A lập nhiều tuyến vật cản trên trục giao thông Châu Đốc đi núi Sam, khiến đồn Vĩnh Trung hoàn toàn bị cô lập. Những ngày sau, khi địch cơ động chi viện cho đồn Vĩnh Trung bằng đường bộ, ta tiếp tục chặn đánh viện binh địch; một mặt tăng cường các hoạt động của du kích trên các trục đường giao thông làm chậm bước tiến quân địch. Bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng du kích Châu Phú A đánh tập kích đồn địch, vừa thu hút địch tạo thời cơ có lợi cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến công tiêu diệt, làm cho địch ở các tháp canh phải bỏ chạy. Như vậy, trong chiến dịch Long Châu Hà 1, bộ đội ta bước đầu đã định hình cách “đánh điểm, diệt viện”, lấy đánh viện binh địch làm chính, lực lượng du kích đã tích cực đánh tiêu hao tiêu diệt địch trên các trục đường giao thông, phá đường, phá cầu, tạo lập nhiều vật cản trở làm chậm bước tiến quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch tổ chức các trận đánh tiêu diệt.

Đến chiều ngày 12-10, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Tổng kết trong hơn 10 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, chỉ với vũ khí thô sơ là chính, nhưng quân và dân Khu 9 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 110 tên địch (không kể trận đánh viện binh ngày 7-10), ép 25 lính Miên ra hàng, thu 22 súng trường, nhiều đạn dược và các trang bị khác. Ta đã đánh hỏng 3 xe quân sự, san bằng 42 lô cốt, phá 4 cầu và nhiều đoạn đường giao thông quan trọng khiến địch bị chia cắt nhiều khu vực.

Chiến dịch Long Châu Hà 1 đã để lại bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch chính xác linh hoạt, phù hợp cách đánh của lực lượng du kích: Việc tập trung nỗ lực từng đợt trên các khu vực mục tiêu khác nhau trong quá trình đánh địch trên hướng Nhà Bàn - Vĩnh Trung và Nhà Bàn - Tịnh Biên; việc giữ quyền chủ động chuyển sang đợt 2 sau khi phá vỡ hệ thống đồn, bốt, tháp canh bằng cả tiến công quân sự và đấu tranh chính trị, bức rút, bức hàng, tiếp tục chỉ đạo du kích chiến hoạt động rộng khắp đã hình thành thế trận toàn dân đánh giặc trên toàn địa bàn chiến dịch. Đây là những phát triển mới về nghệ thuật tác chiến cài thế ta, phá thế địch, đẩy địch vào tình thế ngày càng bị động, lúng túng, buộc phải đối phó trên nhiều hướng. Mặt khác, việc chỉ đạo vận dụng các biện pháp nghi binh, lừa địch, chỉ đạo vận dụng đa dạng các biện pháp, hình thức chiến thuật ở các quy mô nhỏ như trung đội, đại đội tập kích, phục kích, vận động phục kích, truy kích địch; việc chỉ đạo kết hợp đánh địch với đánh phá giao thông, tạo lập nhiều tuyến vật cản trên các trục đường giao thông làm chậm bước tiến của quân địch; kết hợp tác chiến với địch vận, vũ trang tuyên truyền v.v.. Những biểu hiện cụ thể đó đã phản ánh bước tiến mới trong nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến dịch thời kỳ đầu chống Pháp ở Tây Nam Bộ.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
15286

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu