Thứ 5, 25/04/2024 13:19:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:33, 09/10/2015 GMT+7

Sự kỳ vọng của nhân dân

Thứ 6, 09/10/2015 | 14:33:00 105 lượt xem
BP - Ngày 28-9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 8, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điểm mới, được dư luận quan tâm là Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Theo thông báo của Ban chỉ đạo Trung ương, chỉ trong 4 tháng (từ tháng 4 đến 8-2015), trên phạm vi toàn quốc, cơ quan điều tra đã khởi tố 82 vụ/189 bị can; viện kiểm sát nhân dân truy tố 116 vụ/286 bị can; tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử sơ thẩm 110 vụ/232 bị cáo. Trong 3 năm (2012-2015), Ban chỉ đạo đã thành lập 25 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống và phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại 15 bộ, ngành, 29 địa phương.

Qua đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN có tác dụng thiết thực, nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong PCTN. Trưởng ban chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhờ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ban chỉ đạo đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo khắc phục. Những vụ án tham nhũng lớn được đẩy nhanh tiến độ, được đưa ra xét xử là nhờ cách làm việc như vậy. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Có thể nói, tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Tham nhũng, lãng phí được coi là “thứ giặc nội xâm” và một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, có cả luật nhưng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, trên nhiều lĩnh vực, hình thành lợi ích nhóm. Mặt khác, nhiều hành vi, thủ đoạn tham nhũng vặt đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu, chủ yếu là qua báo chí. Công tác xử lý thu hồi sau thanh - kiểm tra còn chậm, nhất là xử lý thu hồi kinh tế và khắc phục hậu quả. Đặc biệt, việc xem xét kết luận thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng vẫn còn hiện tượng “giơ cao đánh khẽ”, chủ yếu án treo... gây nhiều bức xúc trong dư luận, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Vì vậy, việc Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đưa ra quyết tâm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đặc biệt là đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng là việc làm cần thiết, như thêm một lần chỉnh đốn đảng. Điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng hơn cả là cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong PCTN, lãng phí; phải nắm bắt được quy luật hình thành và sự vận động của tham nhũng để đề ra giải pháp chặn từ gốc; cần sự nêu gương, minh bạch, trách nhiệm của người đứng đầu và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; chú trọng đến kênh thông tin quan trọng là báo chí và chính người dân trong cuộc chiến chống lại “quốc nạn” này. Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với các cá nhân, tập thể, bất kể là ai, ở cấp nào.

Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu