Thứ 4, 24/04/2024 00:13:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:33, 20/09/2019 GMT+7

Sự khác biệt giữa “cầm đồ” và “cầm cố”

Thứ 6, 20/09/2019 | 14:33:00 2,539 lượt xem
BPO - Cầm đồ và cầm cố tài sản là hai thuật ngữ đã xuất hiện trong đời sống xã hội từ rất lâu rồi. Đặc biệt, với cụm từ “cầm cố” ra đời từ khi có chế độ phong kiến. Mặc dù hai cụm từ nay có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau nhưng trong thực tế cuộc sống đã có không ít người nhầm lẫn. Vì vậy, bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu rõ về bản chất của hai cụm từ này, nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra vì lý do hiểu chưa đúng về nghĩa của chúng.

Trước hết, để hiểu rõ hai cụm từ này, chúng ta cần nắm vững khái niệm của chúng như thế nào. Theo Từ điển Tiếng Việt do các tác giả: Vĩnh Lộc, Bảo Đoan, Ngọc Hạnh, Quỳnh Tâm biên soạn và Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2000, trang 147, thì “cầm đồ” có nghĩa là “đem đồ đi cầm thế”, ví dụ; “tiệm cầm đồ”. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thì cầm đồ (hoặc cầm cố) là một giải pháp tài chính có hợp đồng và có kỳ hạn, qua việc thế chấp tài sản phi tiền mặt (vàng, trang sức quý và các vật dụng gia đình có giá trị khác) để nhận tiền mặt. Quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó vẫn thuộc người đi cầm đồ. Đến kỳ hạn, người đi cầm đồ phải trả cho chủ nợ đủ vốn và lãi thì được thu hồi đồ vật của mình. Cầm đồ là hình thức đơn giản của việc vay thế chấp. Ngoài ra, cầm đồ còn là một giải pháp chứng minh tài chính thay cho tiền mặt. Sau thời hạn ấn định sẵn mà khách hàng không đến chuộc đồ thì đồ cầm cố thuộc về chủ tiệm.

Cũng sách trên và trong trang 147, khi giải thích về cụm từ “cầm cố” chỉ giả thích ngắn gọn là “cầm”. Mà theo giải thích của sách này cũng ở trang 147, về từ “cầm” trong hoàn cành này có nghĩa là: Vay tiền hoặc cho người khác vay tiền bằng cách giữ một món đồ làm tin. Như vậy, nói một cách khái quát rằng: Cầm cố là giao tài sản của mình (thường là bất động sản) cho người khác giữ làm tin với mục đích để vay tiền.

Trên đây là xét về khái niệm của hai cụm từ trên ở góc độ ngữ nghĩa. Còn xét dưới góc độ pháp luật, khái niệm của hai cụm từ này cũng hoàn toàn khác nhau. Cụm từ “cầm đồ” được điều chỉnh bởi Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư có điều kiện và Thông tư liên tịch số 02TT/LB của Ngân hàng nhà nước - Thương mại số 02/TT/LB ngày 3-10-1995 về hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Theo đó, tại Khoản 4, Điều 3 của Nghị định 96/2016/NĐ-CP, thì cầm đồ là một loại hình kinh doanh có điều kiện mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Còn theo quy định tại Khoản 1, Mục I trong Thông tư số 02TT/LB, thì cầm đồ là hình thức cho vay tiền đòi hỏi người vay phải có tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình ghi trong hợp đồng cầm đồ. Người vay tiền có tài sản cầm cố gọi là bên cầm đồ; người cho vay tiền nhận tài sản cầm cố gọi là bên nhận cầm đồ.

Về cụm từ “cầm cố” được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02TT/LB nói trên. Theo đó, tại Điều 309 của Bộ luật Dân sự năm 2015, có quy định về cầm cố tài sản như sau: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Và tại Khoản 2, Mục I trong Thông tư liên tịch số 02TT/LB có quy định: Cầm cố là động sản, có giá trị và giá trị sử dụng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm đồ có thể mua, bán hoặc chuyển quyền sở hữu.

Từ khái niệm trên cho thấy, xét về mối quan hệ thì cầm cố là một hình thức phát triển của quan hệ cầm cố mang tính chất chuyên nghiệp dưới dạng là một hoạt động dịch vụ kinh doanh tiền tệ có biện pháp bảo đảm là cầm cố - được gọi là cầm đồ. Và xét về loại hình hoạt động thì cầm đồ là một hoạt động dịch vụ kinh doanh. Còn cầm cố lại là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. Xét về mề mục đích, cầm đồ là việc làm nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của bên vay đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Còn đối với cầm cố lại là biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vì thế, nội hàm của cầm cố rộng hơn so với cầm đồ, vì không cầm cố chỉ đảm bảo nghĩa vụ về khoản vay mà có thể đảm bảo nhiều loại nghĩa vụ khác nhau như: nghĩa vụ giao hàng, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng,…

Nhìn nhận hai cụm từ trên dưới góc độ đặc điểm của chúng, ta sẽ thấy rõ hơn sự khác biệt. Đối với cầm đồ, thì đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm thu lợi nhuận thuộc nhóm ngành nghề “hỗ trợ tài chính”. Và theo quy định của pháp luật thì cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh riêng: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 5 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản. Đồng thời, bên nhận cầm đồ phải là chủ thể có đăng kí kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lãi suất cho vay, bảo quản và xử lý tài sản cầm đồ…

Còn đối với cầm cố lại có đặc điểm là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tức là có sự chuyển giao tài sản từ bên có tài sản nhưng lại cần tiền hoặc một loại vật chất có giá trị nào đó… cho bên nhận cầm cố. Và theo quy định của pháp luật, hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa hai bên hoặc luật có quy định khác.

NV

  • Từ khóa
44836

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu