Thứ 6, 29/03/2024 21:13:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:56, 26/02/2013 GMT+7

Sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc

Thứ 3, 26/02/2013 | 15:56:00 521 lượt xem

Đi theo nghề y, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là các y, bác sĩ, hộ lý... Trong số ấy còn có những người âm thầm hy sinh để làm những công việc mà rất ít bệnh nhân biết đến. Họ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm bệnh dịch, bệnh nan y đến áp lực trong khám chữa bệnh... Đó là những y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng làm ở các khoa: cấp cứu, gây mê hồi sức, chăm sóc đặc biệt, xét nghiệm... tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

BIẾT TỎ CÙNG AI

Gần 16 năm khoác trên người chiếc áo blouse trắng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, khoa ICU (khoa chăm sóc đặc biệt) đã quen chạy đua với thời gian, với các ca cấp cứu để mang lại sự sống cho người bệnh. Khoa chăm sóc đặc biệt vốn được xem là nơi căng thẳng nhất so với các khoa khác. Bởi lẽ, đây là nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng, trong tình trạng thập tử nhất sinh. Thân nhân đi kèm người bệnh thường ở trạng thái căng thẳng, sẵn sàng “bùng nổ” bất cứ lúc nào. Có khi, các y, bác sĩ vừa phải tiến hành cấp cứu, thao tác kỹ thuật chuyên môn để cố gắng cứu sống người bệnh, vừa phải nghe thân nhân của họ chửi rủa, thậm chí dọa nạt.

Chuẩn bị gây mê cho bệnh nhân

Bác sĩ Thảo chia sẻ: “Theo nghề này, cuộc sống riêng phải chấp nhận thiệt thòi. Vì dịp lễ, tết, mọi người có thể đi du lịch với vợ con, gia đình, còn mình đi chơi gần cũng không thể. Nhưng cảm giác đó lại qua nhanh bởi sự tất bật của công việc. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là cái tâm của người thầy thuốc luôn phải đặt bệnh nhân vào hoàn cảnh như người thân của mình. Dù công việc nhiều vất vả nhưng sau mỗi ngày làm việc cũng thấy vui khi bệnh nhân được chuyển khỏi khoa, sớm về với gia đình”.

Không kém phần căng thẳng và cực nhọc là các y, bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khoa cấp cứu. Đây là nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu. Hầu hết các bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong bất kỳ lúc nào, nhất là các bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Rất nhiều người khi vào đến khoa cấp cứu là la hét, quát tháo, gây áp lực cho nhân viên y tế. Do yêu cầu công việc khiến các bác sĩ có thể phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Trung bình mỗi ngày khoa cấp cứu tiếp nhận khoảng 70-80 ca, chủ yếu là tai nạn giao thông, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Trong 10 ngày tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho 713 bệnh nhân, trong đó có 260 ca tai nạn giao thông. Chính vì lượng bệnh nhân đông nên mỗi kíp trực, 1 bác sĩ và 8 y tá luôn phải căng như dây đàn để tiếp nhận bệnh.

NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

Tại khoa gây mê - hồi sức của bệnh viện, dù là đêm hay ngày, nơi đây đều được vô trùng, cửa luôn đóng kín. Đây là khoa đặc biệt, không có bóng dáng của người thăm nuôi bệnh. Bệnh nhân ra khỏi khoa còn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ nên họ chẳng hề biết ai là người đã gây mê, gây tê và theo dõi từng nhịp thở cho mình. Ở khoa gây mê - hồi sức, nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng có nhiều năm cống hiến, góp phần cứu sống người bệnh nhưng theo lẽ thường, chẳng mấy ai nhớ tới. Vì vậy, nói các bác sĩ gây mê là những “chiến sĩ” thầm lặng quả không sai. Nói về nghề nghiệp, bác sĩ gây mê Lê Viết Thanh cho biết: “Có thể nói ngắn gọn rằng, bác sĩ gây mê chính là những nhà ảo thuật, những thầy phù thủy làm cho bệnh nhân trở nên vô cảm trước nỗi đau thể xác. Công việc chính của chúng tôi là phục vụ những cuộc phẫu thuật, dùng các phương pháp y khoa để người bệnh không còn cảm giác đau đớn nhưng phải giữ được “linh hồn” của họ. So với các bác sĩ khác thì bác sĩ gây mê là người tiếp cận với sự sống và cái chết của bệnh nhân cao nhất. Nếu gây mê sai thì không thể sửa thậm chí dẫn đến tử vong cho bệnh nhân. Để ca mổ được an toàn, bác sĩ gây mê phải có sự nhạy cảm cùng sự trải nghiệm nghề nghiệp. Họ không có một sự chọn lựa nào khác ngoài làm tốt công việc khi có yêu cầu”.

Tâm lý chung, khi bệnh nhân và người nhà vào khám và trị bệnh ở khoa nào thì họ sẽ tìm hiểu về đội ngũ y, bác sĩ ở khoa đó. Nhưng các y, bác sĩ, điều dưỡng ở các khoa: cấp cứu, gây mê, hồi sức, chăm sóc đặc biệt, xét nghiệm... thì chẳng ai tìm hiểu. Có lẽ vì thế mà một số bác sĩ không thích làm việc ở các khoa đó. Vất vả, áp lực nhiều mà ít được người bệnh ghi nhận, thậm chí lãnh đạo ngành đôi khi còn “quên” mất tầm quan trọng của họ.

Tuy nhiên, với những người đang làm việc tại các khoa “thầm lặng” nói trên... thì dường như những thiệt thòi, hy sinh không có nghĩa gì, sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui, niềm động viên cho các thầy thuốc ở đây tiếp tục cống hiến.       

Bảo An

  • Từ khóa
44456

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu