Thứ 6, 29/03/2024 16:23:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 11:15, 28/08/2014 GMT+7

Sử dụng sừng tê giác chữa "bách bệnh": Sự ngộ nhận tai hại

Thứ 5, 28/08/2014 | 11:15:00 426 lượt xem
BPO - "Cộng đồng cần lên án mạnh mẽ tình trạng "ngộ nhận" khi sử dụng sừng tê giác như một phương thuốc thần kỳ có thể chữa "bách bệnh" và hãy chấm dứt ngay việc sử dụng sừng tê giác."
Tê giác tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Tê giác và Sư tử ở Krugersdorp, phía bắc Johannesburg (Nam Phi)

Đây là thông điệp được các nhà khoa học và các văn nghệ sỹ, nhà báo đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế về vấn nạn sử dụng sừng tê giác” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển - CHANGE (thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp cùng Quỹ Hoang dã châu Phi và Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã WILDAID tại Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27-8. 

Nạn săn bắn tê giác: SOS

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm CHANGE, cho biết cuộc khảo sát được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế đã ước tính đã có hơn 1.000 con tê giác bị bắn giết chỉ trong năm 2013. 
 

Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi, đến ngày 26-8, có 668 con tê giác nữa bị giết. Con số này tạo ra sự tương phản rất lớn khi vào năm 2007 người ta mới chỉ thống kê được 13 cá thể tê giác bị giết. Tính ra, mỗi ngày có khoảng 3 con tê giác bị săn bắn bất hợp pháp tại Nam Phi. 

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra Việt Nam và Trung Quốc trở thành hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới.

Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, trong 40 năm qua lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, trong đó số lượng tê giác bị giết tăng tới hơn 300% so với năm 2010. 

Thông tin do Trung tâm CHANGE cung cấp cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ còn khoảng 29.000 con tê giác, trong đó có 5 loài tê giác còn sót lại gồm tê giác Java còn gần 50 con; tê giác Sumatra còn khoảng 200 con; tê giác Ấn Độ khoảng 3.000 con; tê giác Đen còn khoảng 5.000 con và còn nhiều nhất là tê giác trắng còn hơn 20.000 con. 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng cho rằng với tốc độ suy giảm lượng tê giác như hiện nay và nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng săn bắn kịp thời, trong vòng 6 năm nữa loài tê giác đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. 

Tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng cũng được xác định đã bị bắn chết để lấy sừng vào năm 2010 tại khu vực rừng Nam Cát Tiên. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc tê giác bị săn bắn để lấy sừng xuất phát từ nhu cầu không giới hạn của các nước châu Á khi xem sừng tê giác có tác dụng chữa trị ung thư, làm quà biếu và thể hiện của sự giàu sang, quyền lực. 

Sừng tê giác “được chuộng” tại thị trường Việt Nam cũng đã đẩy mức giá tiêu thụ sừng tê giác trung bình lên đến hơn 30.000 USD (hơn 630 triệu đồng) cho 1kg sừng tê giác. 

Sừng tê giác chỉ như móng tay, tóc 

Dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu của Quỹ Thế giới Hoang dã được công bố năm 1983, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, sừng tê giác giống như móng tay, lông tóc (cấu tạo từ chất keratin), không có tác dụng chống đau, chống viêm, chống co thắt và cũng không có tác dụng kháng khuẩn để chống viêm mủ và vi khuẩn trong ruột. 

Tương tự, một nghiên cứu khác do giáo sư Harold Varmus, hiện là Viện trưởng Viện sức khỏe Hoa Kỳ, một chuyên gia hàng đầu thế giới về ung thư, đã khẳng định: "Chúng ta không có bằng chứng là bột sừng tê giác có lợi ích gì và không có cơ sở để điều trị bệnh ung thư. Chỉ có điều chắc chắn là con vật lạ kỳ đẹp đẽ này sẽ chịu đau đớn rồi chết đi để sản xuất ra bột sừng tê giác." 

Từ thực tế điều trị của mình, giáo sư-bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, cũng cho biết, hiện nay chưa có nghiên cứu hay chứng nhận y học nào liên quan về việc sừng tê giác có tác dụng chữa trị ung thư. Không thấy ai chỉ dùng "thuốc thần sừng tê giác" mà khỏi bệnh. Có người biết bệnh sớm mà tin sừng tê giác nên để bệnh trổ trễ mới chịu điều trị chính quy bài bản. Khi đó thì đã quá muộn, mất tiền và mất mạng. 

Ở góc độ những người tham gia tuyên truyền chấm dứt sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, bà Hoàng Minh Hồng, chia sẻ, thử thách lớn nhất đối với việc tuyên tuyền bảo vệ tê giác là người tiêu dùng Việt Nam thường hay tin vào những lời đồn thổi, những thông tin ngoài lề hơn là vào các chứng cứ khoa học. 

Bộ Y tế đã khẳng định, sừng tê giác không phải là một thần dược có thể chữa các bệnh nan y. Chính vì niềm tin mù quáng của một bộ phận người Việt trong việc sử dụng sừng tê giác như là một thần dược mà nhiều đối tượng đã lợi dụng, sử dụng sừng trâu để thay thế sừng tê giác để bán cho người có nhu cầu (chiếm khoảng 70-90%). 

Chấm dứt sử dụng sừng tê giác

Với vai trò là đại sứ thiện chí của chương trình hành động bảo vệ tê giác, nhạc sỹ-ca sỹ Thanh Bùi chia sẻ những câu chuyện thực tế từ bản thân mình khi đến Nam Phi vào tháng 4-2014 vừa qua. 

Thanh Bùi cho biết: "Tôi đã bị giữ lại hơn 4 tiếng đồng hồ ở sân bay và liên tục bị chất vấn về các nội dung như đến Nam Phi có mục đích gì? đi nơi nào?...như một tội phạm. Sau khi biết rõ tôi đến làm gì thì các bạn mới giải thích là trong năm 2013 vừa qua, có rất nhiều người Việt Nam sang đây để săn bắn tê giác (khoảng hơn 70%). Điều này khiến cho tôi cảm thấy rất buồn, nhất là hình ảnh về người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế đã bị ảnh hưởng rất nhiều."

Do đó, để bảo vệ một loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhạc sỹ-ca sỹ Thanh Bùi mong muốn các cơ quan chức năng tại Việt Nam cần mạnh tay với hoạt động buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác trong nước đồng thời về phía thói quen, cũng như ý thức tiêu dùng của người dân cần “nói không” với sừng tê giác.

Theo các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam, đa số người dân Việt Nam vẫn còn có thu nhập trung bình và thấp nên khả năng mua sừng tê giác cũng hạn chế. Do đó, đối tượng sử dụng sừng tê giác đa số tập trung trong tầng lớp người có tiền của, doanh nhân, quan chức. 

Chính vì vậy, các chương trình hành động phải tác động được vào giới này, đặc biệt cần phải thay đổi nhận thức, thói quen của họ trước đây khi cho rằng sử dụng sừng tê giác như một biểu tượng của giàu sang và quyền lực. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam cần có tiếng nói và dành thời lượng nhiều hơn nữa về vấn đề này. 

Diễn viên Hồng Ánh, đại sứ thiện chí của chiến dịch quốc tế "Chấm dứt sử dụng sừng tê giác," chia sẻ: "Khi nghe các nhà nghiên cứu nói về thực trạng của loài tê giác, tôi thực sự cảm thấy rất lo lắng vì với tốc độ này thì chỉ vài năm nữa thôi sẽ không còn một con tê giác nào tồn tại trên thế giới."

“Theo tôi, từ em bé, cho đến người lớn, bằng từng hành động thiết thực của mình để mà tham gia vào chương trình hành động bảo vệ loài động vật hoang dã đặc biệt này. Tôi nghĩ, nếu không có người mua thì chắc chắn sẽ không còn kẻ bắn giết loài tê giác nữa," diễn viên Hồng Ánh kêu gọi.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
56117

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu