Thứ 6, 19/04/2024 03:01:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:54, 16/05/2018 GMT+7

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải vào tù

Thứ 4, 16/05/2018 | 08:54:00 259 lượt xem

BP - Những năm qua, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta rất phổ biến. Điển hình như việc sử dụng 2 chất clenbuterol và salbutamol dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người khi cho heo ăn sẽ tăng trọng nhanh, nở mông, nở đùi, tăng tỷ lệ thịt nạc, tiêu mỡ và màu sắc thịt đỏ tươi. Chất vàng ô là một loại thuốc nhuộm diarylmethane được sử dụng trong công nghệ nhuộm vải, giấy, quét tường hoặc in ấn lại được dùng tạo màu vàng bắt mắt cho da, chân gà và cả lòng đỏ trứng gà. Hay heo được tiêm thuốc an thần acepromazine là thuốc chống loạn thần dẫn xuất từ phenothiazin giúp thịt heo đỏ tươi như thịt bò, dẻo, mềm và khi chế biến sẽ tiết ra nhiều nước...

Theo quy định, những phụ gia nêu trên tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm hoặc trộn vào thức ăn cho vật nuôi và người. Nhưng vì lòng tham, các hộ chăn nuôi và giết mổ vẫn sử dụng các chất cấm với liều cao nên hàm lượng tồn dư trong sản phẩm thịt khá lớn... Việc ăn phải thực phẩm tồn dư kháng sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà đáng lo ngại hơn là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Người tiêu thụ kháng sinh qua thực phẩm hằng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể.

Nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ tốt sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, ngày 7-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 22-6-2018. Đây được coi là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng nêu trên, bởi mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức cao nhất là 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp, 100 triệu đồng đối với cá nhân và còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định số 64 cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ sản xuất, gia công, mua bán..., và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc tiêu hủy chất cấm và thức ăn chăn nuôi, thủy sản có chứa chất cấm; buộc tiêu hủy vật nuôi, thủy sản trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm hoặc không thể tiếp tục nuôi giữ...

Quý 1/2018, Bình Phước có đàn heo 287.298 con, tăng 4,3%; gia cầm 4.359.000 con, tăng 4,5%; đàn bò 35.845 con, tăng 7,09%; đàn trâu 12.544 con, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Phần lớn là phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp và đang mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 276 trang trại chăn nuôi công nghiệp, trong đó 200 trại heo với tổng đàn 321.667 con và 61 trang trại gia cầm với 3.497.500 con. Những con số này cho thấy, ngành chăn nuôi tỉnh đang có những bước đi đột phá, hứa hẹn sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng xấu lợi dụng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để trục lợi. Rất mong các cấp và ngành chức năng của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến sử dụng chất cấm; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong chăn nuôi, nhất là, áp dụng triệt để các quy định của Nghị định số 64 sau khi có hiệu lực thi hành.

L.P

  • Từ khóa
108869

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu