Thứ 5, 28/03/2024 23:47:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:34, 14/01/2017 GMT+7

Sự chung tay kịp thời

Thứ 7, 14/01/2017 | 10:34:00 111 lượt xem
BP - Tuần qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp về bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai giữa lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố trong khu vực. Sự kiện này được dư luận đánh giá là sự chung tay kịp thời, quyết liệt giữa trung ương với chính quyền các tỉnh trong khu vực nhằm bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tiềm năng của sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 2 ở Nam bộ và lớn thứ 3 ở nước ta với chiều dài 586km. Con sông này bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng chảy qua Đắk Nông rồi đi vào các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu... với diện tích lưu vực toàn bộ hệ thống sông rộng 42.600km2. Trên dòng sông Đồng Nai hiện có 5 nhà máy thủy điện và hệ thống các cảng như Cát Lái, Bình Dương, Đồng Nai... Hồ thủy lợi, hồ thủy điện, hệ sinh thái rừng quốc gia Nam Cát Tiên... đã tạo nên những nguồn lợi rất to lớn về tài nguyên thiên nhiên phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng. Bên cạnh đó, hai bên bờ sông nhiều công trình dân sinh, khu công nghiệp, khu dân cư, thành phố... đã tạo nên không gian phát triển sôi động nhất nhì của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua việc khai thác tài nguyên bừa bãi làm cho sông Đồng Nai bị ô nhiễm trầm trọng. Hai dự án thủy điện là Đồng Nai 6 và 6A đang gây ra những tranh cãi về môi trường. Việc lấp sông Đồng Nai ở Biên Hòa đã gây ra sự phản ứng quyết liệt từ các nhà khoa học và người dân. Ngoài ra, một số tỉnh lạm dụng khai thác cát, vật liệu xây dựng đã làm biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi sinh và nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Ví như trên địa bàn Bình Phước việc khai thác cát bừa bãi đã làm một số nơi ở các xã Đăng Hà, Thống Nhất (Bù Đăng) bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo đánh giá, hệ thống sông Đồng Nai ở Bình Phước có hơn 261 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, trang trại và nhiều yếu tố thải khác với lưu lượng hơn 29.700m3/ngày. Tuy nhiên, hiện Bình Phước chỉ mới thống kê, điều tra được 70 nguồn thải...

Vì vậy, việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai là hết sức quan trọng và có ý nghĩa sống còn hiện nay. Trong đó, quan trọng nhất là việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Vì nước của sông Đồng Nai có tầm quan trọng to lớn đối với các tỉnh, thành phố không chỉ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi sinh mà còn cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân trong khu vực Đông Nam bộ. Do vậy, việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai chính là bảo vệ sự sống của hàng triệu con người trong khu vực. Cần phải dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, làm biến đổi dòng chảy, hủy hoại môi sinh qua việc khai thác trái phép cát, vật liệu xây dựng... Vì vậy, việc ký kết quy chế phối hợp về bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai giữa lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố trong khu vực là cơ sở pháp lý để các tỉnh liên quan ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên trên dòng sông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tấn Phong

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu