Thứ 5, 25/04/2024 12:32:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:24, 06/05/2017 GMT+7

Sự cáo chung của trò lừa đảo

Thứ 7, 06/05/2017 | 10:24:00 124 lượt xem

BP - Sự kiện Bộ Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (T.N.M.U) vào cuối tháng 4 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi việc Công ty T.N.M.U chấm dứt hoạt động sẽ khiến hàng trăm ngàn người có nguy cơ trắng tay vì đã tham gia vào hệ thống đa cấp này. Những người tỉnh táo thì nói, công ty này bị xóa sổ là hệ quả tất yếu của việc làm ăn bất chính, cũng là sự cáo chung của những chiêu trò lừa đảo qua hệ thống kinh doanh đa cấp ở nước ta hiện nay.

Công ty T.N.M.U được Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh đa cấp vào tháng 9-2014. Các mặt hàng được công ty này kinh doanh là thực phẩm chức năng, máy tạo ozon, đồ lót, mỹ phẩm, thời trang và một số thiết bị điện tử gia dụng khác. Chỉ sau thời gian ngắn, với chiêu trò của mình, Công ty T.N.M.U đã mở rộng mạng lưới kinh doanh rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước với 23 đại lý và lôi kéo được hàng trăm ngàn người tham gia. Bằng việc thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng để diễn thuyết, rất nhiều người đã bị công ty này mê hoặc về giấc mộng làm giàu. Từ đó, họ tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm, kêu gọi mọi người mua hàng với giá cắt cổ để trở thành thành viên. Công ty này còn chi hoa hồng rất cao hay tặng tiền mặt cho những ai lôi kéo thêm người vào hệ thống. Chính vì những dấu hiệu bất bình thường này, Bộ Công thương đã kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt sai phạm. Trước nguy cơ bị buộc đóng cửa và bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, Công ty T.N.M.U đã “chủ động” xin được chấm dứt hoạt động. Vì vậy, dư luận cho rằng Bộ Công thương cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để tiến hành điều tra làm rõ những sai phạm của công ty này.

Có thể nói, chưa bao giờ việc kinh doanh đa cấp ở nước ta bùng phát mạnh như hiện nay. Đến năm 2016, cả nước có 67 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt các đơn vị bán hàng đa cấp hàng trăm tỷ đồng vì những sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Qua kiểm tra đã cho thấy hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua có nhiều biến tướng. Một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã lợi dụng việc bán hàng để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính trái phép. Vì vậy, cả nước đã có 16 đơn vị đa cấp bị thu hồi giấy phép, 12 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động và 3 đơn vị tạm thời ngừng hoạt động, chỉ còn lại 36 công ty đang tồn tại.

Tại Bình Phước, thời gian trước cơn bão đa cấp cũng đã càn quét qua nhiều thôn, xã, nhất là tại vùng sâu, vùng xa gây ra nhiều hệ lụy. Không ít trường hợp bị khuynh gia bại sản. Nhiều người lợi dụng tình ruột thịt, bằng hữu dụ dỗ người thân làm thành viên cho hệ thống để hưởng hoa hồng dẫn đến mâu thuẫn. Nhiều gia đình, anh em, vợ chồng phải từ bỏ nhau vì bị lôi kéo vào hệ thống đa cấp. Theo báo cáo của ngành chức năng, ở Bình Phước hiện có 8 cơ sở kinh doanh đa cấp. Do vậy, mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia mạng lưới đa cấp bất kỳ hình thức nào. Vụ án lừa đảo từ việc kinh doanh đa cấp tại 2 công ty Liên kết Việt và Vipha Việt Nam mà cơ quan chức năng khởi tố vào giữa năm 2016 chính là bài học kinh nghiệm cho nhiều người.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu