Thứ 7, 20/04/2024 08:22:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 12:02, 18/10/2016 GMT+7

Sự bất nhất trong một đạo luật

V.N
Thứ 3, 18/10/2016 | 12:02:00 1,053 lượt xem

BP - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22-6-2015. Luật này thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Và điều muốn nói trong bài viết này là mặc dù đã có hiệu lực, song có những quy định trong đạo luật này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Thậm chí có những điều, khoản trong đạo luật này đang gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước và cả người dân.

Cụ thể là tại Khoản 4, Điều 154 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định như sau: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Và theo quy định này ai ai cũng hiểu rằng một khi có văn bản pháp luật nào đó hết hiệu lực thi hành thì các nghị định, thông tư liên tịch hoặc thông tư của một bộ, ngành nào đó có nhiệm vụ hướng dẫn thi hành một điều hay một số điều trong đạo luật này cũng hết hiệu lực. Xét về lôgíc hoặc dưới góc độ pháp luật thì quy định trên đây là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải như vậy, mà có những văn bản pháp luật dù đã hết hiệu lực, nhưng một số văn bản dưới luật (nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật) vẫn có hiệu lực thi hành. Vì, tại Khoản 2, Điều 172 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định như sau: Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác. Và chính quy định này đã và đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong quá trình thực thi pháp luật.

Cụ thể, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19-6-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Đây cũng là ngày Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 hết hiệu lực. Và theo quy định tại Khoản 4 của Điều 154 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành) hướng dẫn thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 cũng hết hiệu lực. Thế nhưng trong thực tế thì các văn bản hướng dẫn Luật Nghĩa vụ quân sự 1981 như Nghị định số 38/2007/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT,... vẫn chưa hết hiệu lực. Cụ thể là tại Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT có đưa ra quy định trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ quân sự do đang đi học, chấp nhận học mọi trình độ, từ THPT, trung cấp, đại học, cao đẳng, cao học... đều được tạm hoãn.

Thế nhưng, tại Thông tư số 140/2015/TT-BQP của Bộ Quốc phòng lại đưa ra quy định về các trường hợp tạm hoãn đối với các đối tượng đi học thì chỉ chấp nhận tạm hoãn cho trường hợp là học sinh đang học THPT, cao đẳng, đại học. Như vậy, theo Thông tư số 140/2015/TT-BQP thì không chấp nhận tạm hoãn trong trường hợp học trung cấp, cao học. Như vậy thì các cơ quan quân sự ở cấp xã, huyện sẽ thực thi vấn đề trên như thế nào. Trong khi cả hai văn bản quy phạm pháp luật là Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT và Thông tư số 140/2015/TT-BQP vẫn cùng còn hiệu lực. Và đây chính là quy định không những gây khó khăn, cản trở, mà còn dẫn đến sự hiểu nhầm rồi áp dụng không đúng của cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Do đó, người dân rất mong các cơ quan thẩm quyền sớm có giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, để các quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thực thi cao.

  • Từ khóa
28911

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu