Thứ 5, 25/04/2024 17:31:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:08, 24/07/2018 GMT+7

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Bình Long

Thứ 3, 24/07/2018 | 06:08:00 9,977 lượt xem
BP - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 8-7-2018, toàn tỉnh có 1.034 người mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó thị xã Bình Long tăng 508%. Dù Bình Long đã tổ chức chiến dịch vòng 1 nhưng kết quả giám sát các chỉ số về muỗi, lăng quăng tại nơi phun hóa chất vẫn rất cao. Ngành chức năng đã và đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động khuyến cáo mạnh mẽ nhân dân chủ động phòng, chống SXH.

Người dân không hợp tác

Đến ngày 8-7, thị xã Bình Long có 219 ca mắc SXH, trong đó các phường Hưng Chiến, Phú Đức và các xã Thanh Phú, Thanh Lương đều tăng rất cao. Thời điểm đoàn giám sát thực địa tại tổ 4, ấp Thanh Hòa, xã Thanh Lương - nơi vừa được phun hóa chất diệt muỗi trước đó 1 ngày, ghi nhận chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng còn rất cao. Cụ thể có đến 260 dụng cụ chứa nước có lăng quăng trong 100 hộ dân. Chỉ số này tăng gấp hơn 13 lần chỉ số cần duy trì trong phòng, chống SXH. Ông Nguyễn Long Anh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bình Long bày tỏ sự lo lắng: “Nếu người dân không diệt lăng quăng thì chúng tôi có phun hóa chất cũng vô nghĩa. Với những ổ lăng quăng này chỉ cần vài ngày sau là hóa muỗi và gây bệnh bất cứ lúc nào. Đợt vừa qua thị xã Bình Long đã có 2 ca mắc SXH khá nặng. Mong người dân nâng cao cảnh giác, mỗi ngày dành 5-10 phút dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm để chủ động phòng ngừa bệnh”.

Đoàn giám sát kiểm tra chỉ số lăng quăng tại khu phố An Bình, phường An Lộc (Bình Long)

Tại mỗi nhà dân đến, các thành viên đoàn giám sát xắn tay áo dọn dẹp tất cả vật dụng chứa nước xung quanh nhà. Đa số dụng cụ chứa nước đều có rất nhiều lăng quăng sinh sống. Thế nhưng, trái với thái độ khẩn trương của các thành viên trong đoàn, một số gia đình rất thờ ơ với việc làm này và tìm cách trì hoãn. Vợ ông Đỗ Hữu Nhân ở ấp Thanh Hòa, xã Thanh Lương cho biết: “Mấy hôm nay trời liên tục mưa nên chỗ nào cũng có nước, còn nhà tôi không có muỗi”. Thế nhưng khi đoàn lật từng chậu nước, chỉ từng con lăng quăng thì bà mới đổ đi. Và sau khi đoàn giám sát dời đi thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Trước mắt sẽ có kế hoạch phun hóa chất diện rộng, dập dịch SXH tại các địa bàn xã, phường đang có dịch SXH. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống SXH. Xây dựng kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất chủ động phòng, chống SXH tại các địa bàn có nguy cơ cao.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Không chỉ chủ quan với SXH, một số người dân ở đây còn không hợp tác với ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh. Vợ ông Ông Văn Quyền ở ấp Thanh Hòa nói: “Tôi chỉ cho phun xịt hóa chất bên ngoài nhà thôi, không cho vào nhà. Vì tôi sợ ngứa ngày và ảnh hưởng tới thức ăn cả gia đình”.

Ông Nguyễn Đăng Khiển, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Xã đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch SXH cách đây hơn 1 tháng, thế nhưng đến nay số người mắc SXH vẫn tăng, nhất là các ấp Thanh Hòa, Thanh Trung, Thanh Tuấn. Đặc biệt tại nơi vừa phun hóa chất, chỉ số lăng quăng vẫn rất cao, qua giám sát đa số nhà dân đều có các chỉ số không đảm bảo nên chính quyền rất lo. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong công tác phòng chống SXH vẫn là ý thức của người dân. Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng cường vận động nhân dân tại nhà và tổ chức tuyên truyền lưu động để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa.

Không có lăng quăng sẽ không có SXH

Số ca mắc SXH năm nay tăng so cùng kỳ năm 2017 đã nằm trong dự báo của ngành chức năng vì SXH thường hoạt động theo chu kỳ (3 đến 5 năm). Tuy nhiên, số ca mắc SXH năm nay tại Bình Long tăng cao bất thường so cùng kỳ năm 2017 cần có những giải pháp kịp thời để khống chế số ca mắc, không để SXH bùng phát thành dịch lớn, lan rộng và kéo dài. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ngoài nguyên nhân chính là tính chu kỳ của bệnh SXH, còn có một nguyên nhân khác khiến SXH tăng cao, đó là do ý thức của mỗi người và cộng đồng dân cư cũng như các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống SXH chưa cao.

Giám sát dụng cụ chứa nước có lăng quăng tại khu phố An Bình, phường An Lộc

Qua giám sát thực địa tại thị xã Bình Long, trung bình một hộ có đến 5 (thậm chí nhiều hơn) dụng cụ chứa nước xuất hiện lăng quăng truyền bệnh SXH. Đây là một chỉ số rất cao trong giám sát phòng chống SXH. Mặt khác, tại những nơi này, khi chính quyền cơ sở và ngành y tế phát động, vận động và tổ chức diệt lăng quăng thì người dân không tích cực tham gia. Sau khi phun hóa chất mà không tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng thì chỉ số lăng quăng vẫn còn rất cao và đây là nguyên nhân chính dẫn tới SXH tại những nơi này không giảm.

Phòng, chống SXH, biện pháp căn cơ, bền vững nhất là phòng ngừa để không có muỗi truyền bệnh SXH hoặc nếu có thì mật độ muỗi phải ở mức rất thấp, không có khả năng truyền bệnh, lây lan ra cộng đồng. Muốn làm được điều này thì phải thực hiện tốt việc diệt lăng quăng. Phun hóa chất diệt côn trùng (diệt muỗi) chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.

P.Dung

  • Từ khóa
94414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu