Thứ 6, 19/04/2024 08:18:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:32, 22/07/2017 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017)

Sống và chiến đấu như những cựu tù Phú Quốc

Thứ 7, 22/07/2017 | 14:32:00 1,770 lượt xem
BP - Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, họ đã hy sinh tuổi xuân, xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bị địch bắt, tra tấn dã man trong “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc nhưng những người lính kiên trung ấy không khuất phục mà vẫn vùng lên đấu tranh. Hòa bình lập lại, trở về cuộc sống đời thường, những cựu tù Phú Quốc vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

VỪA ĐÀO HẦM VỪA “ĐÁNH NHAU”

Chúng tôi cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Phú, đến nhà ông Phạm Văn Diễn (1946) ấp Minh Tân, xã Tân Tiến để được nghe ông kể về những ngày tháng sống trong nhà tù Phú Quốc năm xưa. Đã hơn 70 tuổi nhưng sức khỏe và trí nhớ ông Diễn còn rất minh mẫn. Ông rành mạch kể lại những năm tháng chiến đấu với quân địch và khoảng thời gian “nếm mật, nằm gai” ở nhà tù “địa ngục trần gian”. 

Ông Phạm Văn Diễn

Ông Diễn quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1966, tham gia thanh niên xung phong ở tỉnh Thái Bình, đến năm 1967 ông gia nhập Tiểu đoàn 53, Trung đoàn 53, Sư đoàn 1. Sau nửa năm huấn luyện, đơn vị ông hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. “Tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 đánh vào sân bay Đà Nẵng, sau đó đánh vào Ty cảnh sát Hội An và bị thương. Tôi cùng đồng đội rơi vào ổ phục kích của địch và bị bắt về trại tù Non Nước ở Quảng Nam. Tại đây, chúng đánh đập, tra tấn, hỏi cung chúng tôi rất dã man. Ngày 27-7-1968, lực lượng của ta tấn công vào trại tù Non Nước để giải cứu nhưng không thành. Cuối năm 1968, tôi cùng 100 chiến sĩ cách mạng bị đưa ra đảo Phú Quốc. Ngày đầu tiên đến đảo, tên trung úy ngụy quân đứng trước mặt chúng tôi hô to: “Tao là Trưởng ban điều hành Trại giam tù phiến cộng Trung ương Phú Quốc. Đảo Phú Quốc cách đất liền 300 cây số, có thoát ra khỏi ngục chúng mày cũng bị lạc vào rừng, bị hổ vồ, rắn cắn nên đã vào đây chúng mày đừng có nghĩ đến chuyện trốn ra để về với Đảng, với đồng đội của chúng mày”. Ngay sau lời thị uy ấy, bọn quân cảnh xông vào dùng dùi cui, gậy gộc đánh tới tấp vào người tù để minh chứng cho những lời chúng vừa nói. Ông cho biết: “Ở nhà tù Phú Quốc, bọn cai ngục có thể nghĩ ra bất kỳ hình thức nào dã man nhất, độc ác nhất, bỉ ổi nhất để thỏa mãn “cơn khát máu” của chúng, như: đóng đinh 10 đầu ngón tay, bẻ răng, đóng đinh vào đầu, khoét bánh chè khớp gối... Dù đau đớn tột cùng, tôi cũng như anh em cam chịu, nhất quyết không khai nhận gì”.

Cuộc sống trong nhà giam vô cùng khốc liệt, ngoài bị tra tấn dã man thì thức ăn, nước uống đều thiếu thốn... Trước cuộc sống không bằng chết ở nhà tù Phú Quốc, khoảng tháng 6-1970, nhóm tù của ông lên kế hoạch đào hầm. Đội đào hầm vượt ngục chia thành nhiều tổ, như: tổ đào hầm, tổ chuyển đất, tổ canh gác... mỗi tổ khoảng 3 người. Ông Diễn được tổ chức phân công làm nhiệm vụ canh gác cho kế hoạch đào hầm năm ấy. “Khi có lính ngục đến kiểm tra, anh em nhảy lên xô xát, đánh nhau gây hỗn loạn, vung vãi bùn đất để tránh sự chú ý của chúng. Tuy nhiên việc đào hầm đã bị lộ, chúng giam tất cả chúng tôi vào khu biệt giam, có người bị chúng đánh đến chết. Với tôi và nhiều chiến sĩ cách mạng khác, việc ra vào khu biệt giam “như cơm bữa”, ở trong chuồng cọp cũng không có gì lạ. Một khi đã bị địch gọi thì trở về cơ thể không bao giờ lành lặn. Sống trong tù, anh em luôn tâm niệm: Sống rạng danh cho non sông đất nước còn hơn sống nhơ nhớp trở về” - ông Diễn nhấn mạnh.

ĐẤU TRANH BẰNG CÁCH TUYỆT THỰC

“Từ Đà Nẵng, địch đưa chúng tôi ra đảo Phú Quốc. Mới đặt chân xuống, bọn ác ôn đã đón anh em tù binh bằng những trận mưa đòn phủ đầu. Qua 5 năm bị giam ở “địa ngục trần gian”, tôi chứng kiến rất nhiều kiểu tra tấn dã man, rùng rợn... Nhưng vượt lên tất cả, những tù binh ở Phú Quốc vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, một lòng theo Đảng”. Đó là lời kể của thương binh, cựu tù Phú Quốc Lê Đình Dư (1946), ngụ khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Ông Lê Đình Dư

Ông Lê Đình Dư sinh ra và lớn lên ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 3-1967, ông xung phong nhập ngũ vào Tiểu đoàn Lam Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sau thời gian huấn luyện đặc công, ông được điều vào Sư đoàn 305 thuộc tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam). Tháng 5-1968, ông trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân. 3 tháng sau, trong trận đánh vào Đà Nẵng, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, ông cũng trúng đạn bất tỉnh. Khi ông tỉnh dậy đã thấy địch đưa đến một trạm xá tại Đà Nẵng. Sau 2 ngày điều trị, chúng bắt đầu hỏi cung. Lần đầu hỏi cung, chúng dụ dỗ rất ngọt, mời ông hút thuốc, uống nước, lấy tên, tuổi, quê quán. Những ngày sau, chúng tiếp tục lấy lời khai. Lần này, một tên lính ngụy dữ tợn, mặt đầy sát khí chưa kịp hỏi han đã lao vào đánh phủ đầu ông bằng những cú đấm, đá; dùng dùi cui đánh túi bụi vào người khiến toàn thân bầm tím, nhưng ông vẫn giả câm, giả điếc và sẵn sàng chịu chết chứ nhất định không khai. Sau 15 ngày hỏi cung, chúng đưa ông ra Phú Quốc. Trước khi bị chuyển ra Phú Quốc, cũng như ông Dư, hầu hết tù binh đều “kinh qua” một vài nhà tù và “nếm trải” không ít đòn tra tấn tàn bạo, nhưng đến Phú Quốc mới thấy các nhà tù khác chưa là gì cả. Chế độ nhà tù hà khắc vẫn không làm nhụt tinh thần yêu nước của những người chiến sĩ cộng sản. Trong ngục, hàng chục ngàn tù binh tập hợp lại xây dựng tổ chức, sinh hoạt Đảng, đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và tổ chức học chính trị. Mọi hoạt động diễn ra gần như bí mật hoàn toàn. Những chủ trương của Đảng được trình bày súc tích trên những mảnh giấy chỉ to hơn vỏ bao diêm một chút, viết bằng thứ mực được lấy từ những con mực lẫn trong cá hoặc cô đặc từ nhựa cây để có thể dễ dàng chuyền tay giữa các tù binh.

Kỷ niệm ông nhớ nhất đó là: Ngày 7-8-1972, địch bắt 16 đồng chí đi lao động bên ngoài nhưng tới trưa chỉ có 8 người về, còn 8 người bị bắt đi khuân đá, xây lô cốt. Trại của ông quyết định nếu địch không thả 8 đồng chí thì cả trại sẽ tuyệt thực. Toàn trại đã nhịn ăn, quyết tâm đấu tranh với địch. Tới ngày thứ 14 tuyệt thực, toàn trại nằm im phăng phắc. Đêm ngày thứ 15 của kỳ đấu tranh tuyệt thực, địch phải chịu thỏa hiệp, cho khiêng 4 thùng cháo loãng sang trại và chấp nhận một số yêu sách của ta. Theo đó, ngày đầu tiên cho anh em ăn cháo, ngày sau cho ăn cơm nát, không bắt lao động nặng trong 10 ngày đầu và chữa bệnh cho những người bị ốm. Lúc này, ai cũng mắt sâu hõm, má hóp. Nhìn hàng ngàn tù binh ngồi hong nắng mà rơi nước mắt. Đến năm 1973, các chiến sĩ cách mạng tù đày được thả về theo diện trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn.

Trở về cuộc sống đời thường, những người cựu tù mang theo hàng chục vết sẹo do bom đạn, đòn roi tra tấn cực hình của địch nhưng trên mặt ai cũng hiển hiện niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Họ không thể nào quên những lần san sẻ miếng cơm, hớp nước với đồng đội, những buổi sinh hoạt chi bộ ngầm trong vòng kìm kẹp của địch. Để rồi mỗi khi có dịp hội ngộ, những người chiến sĩ năm xưa lại cùng nhớ về năm tháng hào hùng của dân tộc, kể cho nhau sự đổi thay của cuộc sống hiện tại và động viên sống xứng đáng với các đồng đội đã hy sinh nơi tuyến lửa. Những cái bắt tay siết chặt, cái ôm, nụ cười lộ rõ hàm răng chẳng mấy ai còn đủ số... khiến họ như quên đi đau đớn của bệnh tật, những lo lắng của cuộc sống thường ngày để tiếp tục cống hiến sức mình dựng xây quê hương, đất nước theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

C.Nhung - M.Hiền

  • Từ khóa
18467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu