Thứ 6, 29/03/2024 00:17:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:53, 19/09/2014 GMT+7

Sống treo trong vùng quy hoạch treo

Thứ 6, 19/09/2014 | 16:53:00 226 lượt xem
BP - Sống gần trung tâm hành chính tỉnh mười mấy năm nhưng hơn 20 hộ dân ở tổ 1, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (TX. Đồng Xoài) vẫn trong cảnh phải dùng điện giá cao, ô nhiễm và bỗng dưng bị rào mất lối đi. “Thị xã Đồng Xoài sắp lên đô thị loại III, nếu chính quyền không mở được con đường dân sinh thì hỗ trợ cho chúng tôi xây cầu vượt hoặc mua trực thăng để bay ra đường...” - ông Hoàng Thanh Hải nửa cười nửa mếu...

Lối đi đột nhiên “mất tích”

Khu đất này từng được quy hoạch xây dựng tổng thể Trung tâm Thể dục - Thể thao (TD-TT) tỉnh. Nhưng do không thể đền bù giải tỏa nên Trung tâm TD-TT đã khoanh vùng từ năm 2006. Từ đó, những hộ dân ngoài khuôn viên sống “lơ lửng” vì không nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến đất đai. Năm 2010, các hộ dân vui mừng khi trưởng khu phố phát động dân đóng góp làm đường tạm đi qua đất ông Năm Thạnh chạy ra hẻm vật liệu Tấn Phát, chờ đến ngày đường Trường Chinh nối dài được triển khai. Nhưng đường Trường Chinh nối dài vẫn “án binh bất động”, còn chủ đất Năm Thạnh thì bất ngờ rào đường với lời giải thích: “Cho đi hơn 10 năm rồi, nay không cho nữa”.

Ông Năm Thạnh bất ngờ dùng lưới B40 rào lối đi chung lâu nay

Trong số hơn 20 hộ dân bỗng dưng bị bịt mất lối đi có 17 hộ là công chức. “Do đồng lương ít ỏi nên chúng tôi phải “bám” ở đây. Có tiền thì đâu phải sống khổ ngay trung tâm thị xã thế này” - chị Lê Thị Thoa than thở.

Đây không phải lần đầu các hộ dân kiến nghị về con đường. Ông Hoàng Thanh Hải cho biết: “Nhiều lần họp chi bộ, tiếp xúc cử tri tại phường, tôi đã đưa vấn đề này ra nhưng như “đá ném ao bèo”. Chúng tôi chỉ mong có một con đường để đi chứ không cần rộng, bê tông hay đường nhựa... vậy mà vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí có cán bộ còn nói, ai bảo ông mua đất không quy hoạch đường làm gì, giờ còn kêu (?!). Cách đây 14 năm, chúng tôi mua đất thì thấy đường đi lối lại dễ dàng chứ đâu lường hết sự việc”.

Ông Trần Văn Cử cho biết: “Hơn 1 tháng nay, bỗng dưng gia đình ông Thạnh dựng hàng rào lưới B40 trụ bê tông chắn ngang lối đi. Các hộ dân đã báo lên phường nhưng chưa được trả lời. Lối đi duy nhất bị rào nên các hộ phải xin đi ngang đất của một hộ dân gần đó. Tuy nhiên, đây là đất nền nhà duy nhất của hộ này nên chúng tôi đang phải sống trong tâm trạng phập phồng như ngồi trên lửa, không biết khi nào thì họ làm nhà. Chúng tôi cũng không thể mua lại đất của ông Năm Thạnh vì ông đòi 500 triệu đồng/lô, cao gấp nhiều lần giá thực tế”.

Anh Trần Văn Thân cho biết thêm: “Trước đây, ông Năm Thạnh từng hứa miệng với dân tổ 1 là để cho đi đến khi nào có đường Trường Chinh nối dài xuyên qua. Nhưng có lẽ chờ đường mở quá lâu nên gia đình ông Năm Thạnh đã hết kiên nhẫn”.

Đường Trường Chinh nối dài, đến bao giờ?

Từng biết đến quy hoạch đường Trường Chinh nối dài đi qua khu vực này, các hộ dân tổ 1 rất mừng. Nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn chưa được triển khai. Chị Lê Thị Thoa nói: “Trước đây, một số sở, ban, ngành, trong đó có Sở Giao thông - Vận tải xuống khảo sát nhưng rồi lặng im. Vì cống thoát nước của toàn trung tâm thị xã đổ về đây nên chỉ cần mưa 30 phút là khu này ngập trắng. Mấy hôm nay mưa lớn, nước ngập vào nhà cả nửa mét. Mùa nắng thì mùi hôi thối từ cống bốc lên rất khó chịu”.

Theo luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Trưởng văn phòng luật sư Dương Chí: Căn cứ Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hơn 20 hộ dân nói trên hoàn toàn có quyền mở lối đi. Nếu gia đình ông Năm Thạnh không chấp nhận, để được tiếp tục sử dụng lối đi này, các hộ dân có thể nhờ UBND cấp cơ sở can thiệp bằng việc hòa giải giữa hai bên. Khi UBND cấp cơ sở hòa giải không thành thì việc tranh chấp lối đi sẽ do Tòa án nhân dân nơi có bất động sản giải quyết.

Nhà anh Lê Thanh Hiển ở gần cống thoát nước nên nguồn nước giếng đã bị ô nhiễm nặng. Nước giếng có mùi hôi thối không thể dùng sinh hoạt mà chỉ tưới cây. Nước ăn uống anh phải xin nơi khác. Còn chị Vũ Thị Huệ giãi bày: “Chúng tôi tha thiết mong các cấp, ngành sớm triển khai đường Trường Chinh nối dài để mọi người cùng yên tâm sinh sống, không còn cảnh nước ngập, ô nhiễm.

Ông Trần Văn Cử kể: Con gái tôi đã từng bị nước cuốn trôi xuống ruộng khi đi học về qua đường đúng lúc mưa to. Cũng may là không gần sông, suối nên không ảnh hưởng tính mạng.

Đã nhiều năm qua, sống ngay trung tâm tỉnh mà nhiều hộ dân vẫn phải phấp phỏng chờ có một lối đi là điều khó hiểu. Để cứu hơn 20 gia đình thoát khỏi cảnh bị “cô lập” và chịu đựng ô nhiễm kéo dài, mong các cấp, ngành chức năng sớm vào cuộc để đảm bảo quyền lợi tối thiểu cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Điều đó là chính đáng và cấp thiết.      

Ngọc Tú

  • Từ khóa
49860

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu