Thứ 5, 25/04/2024 12:51:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:19, 05/05/2019 GMT+7

Sống mãi những kỷ vật chiến tranh

Chủ nhật, 05/05/2019 | 08:19:00 1,529 lượt xem
BP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật một thời hào hùng còn sống mãi với thời gian. Qua các nhân chứng lịch sử, các cuộc tọa đàm; qua sân khấu, điện ảnh, văn chương, các hình thức nghệ thuật khác... và qua từng kỷ vật chiến tranh, đã để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên. Có dịp tham quan Bảo tàng tỉnh, được nhìn thấy những kỷ vật chiến tranh, chúng tôi càng thêm hiểu giá trị lịch sử của chúng. Tuy đơn sơ, đời thường nhưng từng kỷ vật luôn song hành với cán bộ, chiến sĩ trên mọi mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc - độc lập, thống nhất đất nước.

Đại tá Võ Tấn Phương sinh ra và lớn lên tại thành phố Cần Thơ. Năm 19 tuổi, ông tập kết ra Bắc hoạt động cách mạng. Năm 1964, ông trở lại quê hương, tháng 4-1972, huyện Lộc Ninh giải phóng, ông được điều về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 180. Đây là đơn vị trực tiếp bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho cơ quan đầu não của cách mạng là Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (thuộc Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam) - nơi các tướng cấp cao Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định, Phạm Hùng, Hoàng Cầm... sống và làm việc, giai đoạn 1973-1975. Trong những năm tháng này, từng vật dụng như đôi dép râu, gương lược, bình hoa, ca uống nước, xoong nồi, đèn dầu, bật lửa, kẹp rút quai dép, hộp đựng tăm... được Đại tá Phương cùng các đồng đội tự chế, phục vụ cuộc sống nơi căn cứ. Đại tá Phương còn tự tay làm kẹp tóc, nhẫn, lược tặng người yêu (sau này là vợ ông). Đặc biệt, là chiếc băng tang đeo trong lễ truy điệu Bác Hồ ngày 4-9-1969. Đại tá đã cất giữ cẩn thận và trao tặng Bảo tàng tỉnh năm 2013. Khi trao tặng, ông xúc động cho biết, Bộ chỉ huy Miền đã chỉ thị quân nhu may để mỗi người có một chiếc đưa tiễn Người.

Khách tham quan nghe giới thiệu về các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1925 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Trưởng phái đoàn đại biểu quân sự Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1980, ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Từ tháng 3-1985 đến tháng 3-1988, ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ấn Độ. Ông cũng lưu giữ và tặng Bảo tàng tỉnh nhiều kỷ vật gắn bó trong thời gian hoạt động cách mạng tại Lộc Ninh. Trong đó giá trị lịch sử sâu sắc là cuốn nhật ký ghi lại các hoạt động của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên và hai bên tại trại Davis (nơi đoàn ta đấu tranh đòi Mỹ thi hành Hiệp định Paris năm 1973) từ ngày 1-1-1968 đến 3-11-1975; con dấu, văn bản của Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên lạc quân sự hai bên, được sử dụng từ ngày 29-3-1973 đến 30-4-1975, cùng hàng trăm bức ảnh chụp hoạt động của hai đoàn tại trại Davis. Bên cạnh đó còn có thư, bản đồ trại Davis, thiệp mừng quốc khánh, chúc tết của các tướng lĩnh nước ngoài gửi tặng, chúc mừng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn thể hiện tình cảm giữa Việt Nam với Ủy ban quốc tế trong trại Davis...

Hay những kỷ vật của Thiếu tướng Trần Văn Danh, Tham mưu phó kiêm Trưởng ban Quân báo tỉnh Thủ Biên, Trưởng ban Tình báo chiến lược trực thuộc Ban quân sự Miền, sau đó được đề bạt làm Phó tham mưu trưởng Miền phụ trách công tác tình báo, đặc công, biệt động. Năm 1975, ông được phong hàm Thiếu tướng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố về an ninh quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn - Gia Định. Những kỷ vật ông tặng bảo tàng gồm lọ hoa (do Đại tướng Lê Đức Anh tặng), radio, mũ mềm, huân huy chương, bộ quân hàm thiếu tướng, đèn pin sử dụng trong quá trình sinh hoạt và làm việc tại Bộ chỉ huy Miền, xắc cốt đựng tài liệu những lần tham dự hội nghị bàn về các điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Paris tại Nhà giao tế và trại Davis khi ông là Phó trưởng Đoàn đại biểu Ban Liên hiệp quân sự bốn bên của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Hay kính lúp, ca, bình toong, giấy giới thiệu, tem lương thực, phiếu bách hóa (có giá trị lưu hành như tiền dùng để trao đổi, mua bán hàng hóa trong nội bộ bộ đội Trường Sơn), bộ đàm - liên lạc giữa các đơn vị trong Cục Hậu cần, hồi ký đường Hồ Chí Minh - ghi lại quá trình hoạt động của bản thân trong kháng chiến chống Mỹ... của Đại tá Đặng Văn Phiếm, nguyên Chính ủy Phòng Quản lý xăng, xe, vật tư thuộc Cục Hậu cần Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã trao tặng Bảo tàng tỉnh. Trong số kỷ vật, đặc biệt nhất là bức ảnh Bác Hồ mà ông luôn mang bên mình trong suốt quá trình hoạt động cách mạng.

Ngoài ra, còn rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia. Đó là kẹp tóc, trâm cài tóc, lược, nhẫn... khắc tên người yêu. Trên tuyến lửa, dưới chiến hào, trong địa đạo, ngục tù hay giữa lòng hậu phương, từng kỷ vật thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương, gia đình, tình đồng chí, đồng đội, quân dân gắn bó keo sơn cùng sự hy sinh thầm lặng. Hàng trăm kỷ vật - như một phần máu thịt, được cán bộ, chiến sĩ cất giữ, nâng niu. Khi có dịp trở lại, họ đem từng kỷ vật thân thương tặng Bảo tàng tỉnh Bình Phước lưu giữ.

Với chức năng giáo dục khoa học, Bảo tàng tỉnh nhiều lần tổ chức trưng bày hiện vật, kỷ vật không chỉ ở không gian bảo tàng mà còn tại các trường học, di tích lịch sử, các đồn biên phòng... Ngoài giới thiệu và phát huy ý nghĩa giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc qua từng kỷ vật tới các thế hệ, còn phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu... Ông Hồ Tiến Duật, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Để có được những hiện vật, kỷ vật quý giá, các thế hệ cán bộ bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, lặn lội tới từng địa bàn tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ với mong muốn đem đến người xem bức tranh hoàn chỉnh nhất về lịch sử đất nước qua các thời kỳ. Những kỷ vật chiến tranh đều là những hiện vật có giá trị lịch sử to lớn, thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Từng kỷ vật như một cuốn sách ghi nhớ. Tuy nhỏ gọn và có phần không nguyên vẹn nhưng chứa đựng tình cảm, tinh thần chiến đấu, niềm tin lạc quan chiến thắng và là những di vật của các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; là những thông tin giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá khứ, với niềm tin mãnh liệt về ngày mai tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chúng tôi sẽ lưu giữ một cách trang trọng để thông qua hiện vật và các câu chuyện về hiện vật này góp phần giáo dục hiệu quả truyền thống, tiếp lửa anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Tô Huê - Cẩm Thơ

  • Từ khóa
93948

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu