Thứ 6, 29/03/2024 22:31:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:12, 17/09/2019 GMT+7

Sớm nâng cấp trung tâm để tiếp nhận đối tượng cai nghiện

Thứ 3, 17/09/2019 | 15:12:00 1,415 lượt xem
BP - Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến quý 1/2019, toàn tỉnh có 1.635 người nghiện ma túy, trong đó 1.221 người nghiện ngoài xã hội. Mặc dù tòa án nhân dân các huyện, thị, thành phố đã ra quyết định đưa 390 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng hiện mới chỉ có 109 đối tượng được tiếp nhận, số còn lại ngoài xã hội. Để tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới, phóng viên Báo Bình Phước có cuộc phỏng vấn bà Tôn Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về vấn đề này.

P.V: Thực trạng cơ sở vật chất và bố trí, sắp xếp quản lý cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh hiện nay như thế nào, thưa bà?

Tôn Ngọc Hạnh: Theo công suất thiết kế, trung tâm có quy mô tiếp nhận, quản lý khoảng 1.000 đối tượng; mỗi phòng ở của học viên có diện tích 24m2, sức chứa khoảng 5 học viên và phân thành 5 khu riêng biệt phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, 2 khu nhà được thiết kế để quản lý người bán dâm và người cai nghiện ma túy tự nguyện nên không phù hợp để quản lý người cai nghiện ma túy bắt buộc, một số khác đã hư hỏng, xuống cấp nên không thể đưa vào khai thác, sử dụng.

Hiện trung tâm quản lý 300 học viên. Với thực trạng cơ sở vật chất, trung tâm đang khai thác, sử dụng 35 phòng ở, mỗi phòng bố trí trung bình 8 học viên. Như vậy, phòng ở của học viên đã quá tải so với sức chứa được thiết kế, không gian phòng chật hẹp dẫn đến việc học viên gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, học tập.

Học viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh được đào tạo nghề trong quá trình cai nghiện - Ảnh: Thùy HươngHọc viên tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh được đào tạo nghề trong quá trình cai nghiện - Ảnh: Thùy Hương

Trong quý 2/2019, có khoảng 40 học viên hết hạn chấp hành quyết định, tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, đơn vị chỉ có thể tiếp nhận tối đa khoảng 40 đối tượng do công an các huyện, thị xã, thành phố bàn giao, trong đó ưu tiên tiếp nhận các đối tượng “ngáo đá”, nghiện ma túy nặng, có hành vi quậy phá ngoài xã hội, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

P.V: Đối tượng nghiện ma túy không được tập trung cai nghiện sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội. Sở LĐ-TB&XH đã và sẽ có giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa bà?

Tôn Ngọc Hạnh:  Trước tình hình này, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp các ngành khảo sát tình hình cơ sở vật chất của trung tâm, qua đó lập thủ tục trình các cấp phân bổ kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận đối tượng. Để kịp tiếp nhận đối tượng, ngày 13-12-2018, sở có Tờ trình số 1915/TTr-SLĐTBXH gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính xin bố trí kinh phí sửa chữa khu I của trung tâm với số tiền 1.687.311.764 đồng. Sở Tài chính đã giao trước dự toán để sửa chữa là 500 triệu đồng, số còn lại sẽ giao trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nâng cao năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ cũng như khả năng tiếp nhận đối tượng lâu dài của trung tâm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp Ban quản lý dự án tỉnh tham mưu và UBND tỉnh có Công văn số 3907/UBND-KT ngày 21-12-2018 đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,  Bộ LĐ-TB&XH xem xét việc hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội với tổng số tiền 150 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 cải tạo sửa chữa với kinh phí 30 tỷ đồng, giai đoạn 2 nâng cấp, mở rộng và đầu tư trang thiết bị là 120 tỷ đồng.

Dự kiến trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân bổ cho tỉnh 18 tỷ đồng để thực hiện cải tạo sửa chữa trung tâm. Sau khi được phân bổ kinh phí, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Ban Quản lý dự án tỉnh thực hiện các thủ tục nhằm kịp thời tiếp nhận các đối tượng gửi về.

P.V: Trân trọng cảm ơn bà!

 Quang Minh (thực hiện)

  • Từ khóa
35496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu