Thứ 6, 29/03/2024 18:26:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:38, 05/06/2011 GMT+7

Trở ngại trong ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa

Chủ nhật, 05/06/2011 | 16:38:00 366 lượt xem

Kể từ khi Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng được ban hành thì tình hình tiêu thụ nông sản của nông dân bước đầu được cải thiện. Nhiều hợp đồng bao tiêu nông sản thực thi nhanh, gọn, hiệu quả. Thế nhưng, thời gian gần đây việc tiêu thụ nông sản thông qua ký kết hợp đồng lại gặp nhiều trở ngại, bởi phía doanh nghiệp không còn hứng thú, còn nông dân cũng không mặn mà ký hợp đồng của các doanh nghiệp.

CHÊNH NHAU VỀ GIÁ

Chỉ cần theo dõi giá cả hạt điều vụ vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng đủ nhận ra sự “bát nháo” không đáng có. Cùng một thời điểm nhưng ở mỗi huyện, thị xã lại có sự chênh lệch về giá tới vài ba ngàn đồng 1kg. Lý giải về vấn đề này, các đại lý thu mua nông sản cho rằng hình thức, chất lượng hạt điều ở từng địa phương khác nhau nên có sự chênh nhau về giá. Thế nhưng, lại có tình trạng tư thương lợi dụng sự kém hiểu biết của người nông dân, tạo ra dư luận không tốt để mua nông sản với giá thấp hơn thị trường. Đành rằng có sự khác nhau về chất lượng, hình thức nông sản nhưng tại sao cùng một loại nhưng nếu tiêu thụ tại địa bàn hai huyện khác nhau thì giá lại khác nhau?

Nhiều nông dân bán mì cho tư thương ngay tại rẫy

Việc Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa (nông sản, lâm sản, thủy sản) với người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất là một chính sách đúng đắn giúp nông dân tìm được lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng hợp đồng với giá ưu đãi cho nông dân. Đến vụ thu hoạch thì giá nông sản thị trường lại cao hơn so với giá doanh nghiệp ký kết thu mua nên đã có nhiều nông hộ ngầm bán cho các đại lý hay tư thương khác. Nếu sản lượng lớn thì giá trị chênh lệch cũng lớn. Một câu hỏi mà các hộ nông dân đặt ra là: tại sao lại đặt ra giá sàn trong khi giá nông sản ngoài thị trường luôn biến động? Đó là lý do khiến nông dân không mặn mà với việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa với các doanh nghiệp.

Ông Điểu Hót ở xã Phú Văn, Bù Gia Mập nói: Mấy năm trước ở địa phương có nhiều hộ ký hợp đồng bán điều, hồ tiêu cho các doanh nghiệp. Tôi cũng tìm hiểu để ký hợp đồng nhưng sau thấy họ bỏ, không ký kết với doanh nghiệp nữa nên thôi. Nhà tôi bán tự do cho các đại lý hoặc tư thương, ở đâu giá cao hơn thì bán.

DOANH NGHIỆP KHÓ MUA ĐƯỢC HÀNG

Phía doanh nghiệp cho rằng, việc ký kết tiêu thụ nông sản hàng hóa với nông dân nếu thực thi đúng hợp đồng thì doanh nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu. Nhưng việc làm này gần đây đã dần “nguội đi”, bởi các doanh nghiệp không còn hứng thú với nông dân trong ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về giá cả thì các doanh nghiệp lý giải rằng, đội quân tư thương không phải người mang lại lợi nhuận cho nông dân mà chính doanh nghiệp mới là người gắn bó lâu dài với nhà nông. Có doanh nghiệp sau khi ký kết hợp đồng đã ứng vốn, bán vật tư, hỗ trợ kỹ thuật nhưng đến vụ thu hoạch, thấy tư thương mua giá cao hơn giá ký kết thì nông dân vẫn bán ra ngoài, hoặc có thói quen bán nông sản tại ruộng, rẫy. Khi nông dân không tôn trọng hợp đồng, doanh nghiệp chịu thiệt thòi lớn nhất là mất đi nguồn nguyên liệu dồi dào, tiếp đến là công sức, số tiền chi trả cho mạng lưới, đội ngũ chuyên làm công tác ký kết, quản lý hợp đồng. Doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất.

Một số chủ doanh nghiệp khác thì nói: do các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên khi cần nhập lượng nông sản lớn thì phải ký kết hợp đồng với rất nhiều hộ nông dân nên khó thực hiện và khó quản lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến hợp đồng ký kết tiêu thụ nông sản hàng hóa ngày càng ít đi.

GẮN KẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng nhằm gắn người sản xuất (hộ nông dân, hợp tác xã, trang trại) với doanh nghiệp. Chính sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa “hai nhà” đã tạo nên đội quân tư thương ngày càng hùng mạnh (đại lý, điểm thu mua nhỏ lẻ, tư thương chuyên chở) phá vỡ mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. Họ tìm trăm phương ngàn kế để ép giá mua và bán lại cho các doanh nghiệp chế biến.

Địa bàn hoạt động của đội quân tư thương tự do là đến khắp các nẻo đường, ngõ xóm, các vườn rẫy để tìm nguồn hàng, thu mua và chuyên chở về bán lại cho các đại lý để hưởng chênh lệch. Hoặc tự các đại lý sẽ tạo ra đội quân chuyên dụng để đi tìm, cắm chốt thu mua. Như vậy, nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi về giá cả, còn doanh nghiệp thì khổ vì phải chờ nguồn nguyên liệu từ các đại lý, điểm thu mua nông sản. Nhưng nếu không vừa ý thì niên vụ sau, các điểm đại lý này sẽ không cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp đã hợp đồng mà chuyển sang đối tác khác.

Thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa có lợi cho cả hai phía: hộ nông dân và doanh nghiệp. Đối với nông dân, đây sẽ là lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông sản với giá cả ổn định và được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong sản xuất. Điều quan trọng là nông dân sẽ giữ được chất lượng sản phẩm đến tận tay doanh nghiệp mà không lo sợ nông sản sẽ bị “biến sắc” khi qua khâu trung gian (tư thương). Ví như gần đây nhất, một số tư thương đã dùng thủ đoạn gian lận thương mại (ngâm hạt điều trong nước, trộn hạt điều với đất, cát...) để bán cho doanh nghiệp. Việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu “Quả điều vàng” ở Bình Phước mà người làm ra nó lại chính là những người nông dân “một nắng hai sương”.

Mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân cần “bắt tay” thật chặt trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa để thực hiện phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Hải Châu

  • Từ khóa
35952

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu