Thứ 5, 25/04/2024 13:15:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 22:43, 14/12/2013 GMT+7

Sở Y tế trả lời ý kiến, kiến nghị đại biểu HĐND

Thứ 7, 14/12/2013 | 22:43:00 1,625 lượt xem

Tại kỳ họp lần thứ VIII HĐND tỉnh vừa qua, Sở Y tế đã có Văn bản số 1414/SYT-NVY trả lời ý kiến, kiến nghị đại biểu HĐND. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung văn bản này:


Cử tri phản ánh khám chữa bệnh bằng bảo hiểm xã hội chất lượng chưa cao (ảnh minh họa)

Tổ đại biểu khu vực huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp kiến nghị: Viện phí đã tăng đáng kể  so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng ngành y tế vẫn chưa giải quyết được những vấn đề còn hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua như: chất lượng khám chữa bệnh chưa được nâng lên, cơ sở vật chất bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức, thái độ phục vụ bệnh nhân của một số y bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập chưa được cải thiện. Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp đối với ngành y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ, tăng cường đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh. Chỉ đạo ngành y tế thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ  luật của ngành, khen thưởng cho cán bộ, viên chức làm tốt, xử  lý nghiêm đối với cán bộ, viên chức vi phạm.

Trả lời: Sau gần 1 năm thực hiện tăng giá dịch vụ y tế (Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND), nhìn chung các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã chú trọng  trong việc nâng cao chất lượng KCB từ khâu đón tiếp, khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính… đến việc trang bị đầy đủ thiết bị, thuốc, vật tư y tế phù hợp với cơ cấu giá mà Bộ Y tế đã xây dựng. Tuy nhiên, việc tăng giá cho Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bổ sung Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30-9-1995 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ; và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước chưa thật sự giúp cho ngành y tế nâng cao công tác KCB, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bởi vì: thứ nhất, tăng giá viện phí vừa qua mới chỉ tính 3/7 cấu thành, mức giá này còn quá thấp nên nhiều cơ sở KCB chưa đủ chi phí trực tiếp để thực hiện đầy đủ các dịch vụ y tế; thứ hai, chỉ thu viện phí ở mức 80% mức giá tối đa của Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC, như vậy chưa đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ. Với mức thu này nhiều cơ sở KCB vẫn rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động, nên chưa thể nâng cao chất lượng KCB một cách rõ rệt. Vì thế để nâng cao công tác KCB, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, thái độ phục vụ của nhân viên y tế trong tỉnh ngày càng tốt hơn, Sở Y tế sẽ thực hiện một số giải pháp sau đây:

Giải pháp về trang thiết bị, cơ sở vật chất: Yêu cầu các cơ sở KCB trong tỉnh bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc cho hợp lý, tạo thêm buồng bệnh điều trị; tại nơi chờ khám bệnh phải đảm bảo có đủ ghế ngồi, che nắng, che mưa, thoáng mát, hợp vệ sinh cho người bệnh; xây dựng lịch làm việc và bố trí cán bộ hợp lý; cải tiến quy trình, thủ ngắn thời gian chờ khám bệnh và làm xét nghiệm cận lâm sàng; nâng cao hiệu quả điều trị nhằm rút ngắn thời gian điều trị nội trú, tăng cường điều trị ngoại trú; bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ người bệnh, không để người bệnh phải mua thêm thuốc, vật tư tiêu hao trong thời gian điều trị nội trú. 

Kiến nghị UBND tỉnh tăng bổ sung kinh phí hoạt động hàng năm cho các đơn vị KCB, tăng cường đầu tư trang thiết bị, bổ sung trang thiết bị thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng KCB.

Giải pháp về chuyên môn: Yêu cầu các cơ sở KCB trong tỉnh tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu, tạo thuận lợi cho người dân thụ hưởng nền y học tiên tiến; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh. 

Giải pháp về nhân lực: Biên chế cán bộ của ngành vẫn còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học. Đây cũng là đối tượng các đơn vị y tế trong toàn ngành cần tuyển dụng nhưng thực tế lại không đủ nguồn để đáp ứng. Biên chế toàn ngành cần tăng thêm bởi nhiều lý do, trong đó có nhu cầu cần đáp ứng với sự phát triển của toàn bộ hệ thống y tế các tuyến. Thực tế những năm qua, một số đơn vị y tế mới được thành lập; có sự thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quy mô dân số ngày càng tăng và nhiều đơn vị đòi hỏi phải có sự nâng cấp, mở  rộng nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng quy mô giường bệnh,... nên yêu cầu nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt tăng biên chế cán bộ là thật sự cần thiết để giảm tải cho cán bộ y tế nhằm mục đích phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn. Vì thế, Sở Y tế sẽ kiến nghị UBND, Sở Nội vụ, Sở Tài chính thông qua Tờ trình số 135/TTr-SYT ngày 24-9-2013 về việc đào tạo và thu hút bác sĩ chính quy về công tác tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020 nhằm bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho ngành y tế. 

Giải pháp nâng cao y đức: Yêu cầu các cơ sở KCB quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng về phẩm chất đạo đức người cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền” lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thường xuyên, các buổi giao ban và bằng các hành động cụ thể hàng ngày tại các cơ sở y tế. Chỉ đạo quyết liệt hơn việc nâng cao y đức và tính chuyên nghiệp trong y học. Cán bộ y tế phải làm tốt chuyên môn nghiệp vụ của mình, thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn đặc biệt chú ý thái độ trong giao tiếp với người bệnh và thân nhân người bệnh. Không lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật, gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh và ngân sách, đặc biệt là những bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Giải pháp thanh tra, kiểm tra: Chỉ đạo Thanh tra sở, phòng y tế huyện/thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kê đơn thuốc, thu và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, đi đôi với việc tăng cường sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và tăng cường vai trò hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót và xử lý nghiêm những vi phạm đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả các cơ sở ngoài công lập) nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật của ngành y tế, xử lý nghiêm đối với cán bộ, viên chức vi phạm và kịp thời khen thưởng cho cán bộ, viên chức làm tốt.

Tổ đại biểu khu vực huyện Đồng Phú và Bù Đăng kiến nghị: Việc đào tạo liên thông trong ngành y tế cần ưu tiên cho cấp cơ sở.

Trả lời: Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyến cơ sở  là mối quan tâm

hàng đầu của Đảng ủy, Ban giám đốc, Sở Y tế xin cảm ơn ghi nhận sự quan tâm của đại biểu. Tổng số công chức, viên chức, người lao động được cử đi học liên thông (bác sĩ, dược sĩ, cử nhân…) khoảng 215 trường hợp, trong đó tuyến cơ sở có khoảng 180 trường hợp, chiếm 72,83%. Trong thời gian tới, việc đào tạo liên thông lên trình độ đại học nhất là bác sĩ đa khoa vẫn được Sở Y tế khuyến khích, tạo điều kiện để đến hết năm 2017 hầu hết tuyến cơ sở (từ huyện đến xã) có cơ cấu lao động hợp lý, đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tổ đại biểu khu vực thị xã Đồng Xoài và huyện Chơn Thành kiến nghị: Đề nghị có chính sách hỗ trợ 100% BHYT cho các hộ cận nghèo trong toàn tỉnh (phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tỉnh).

Trả lời: Căn cứ Quyết định số 797/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo thì mức hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo kể từ ngày 1-1-2012, phần hỗ trợ còn lại 30% là từ ngân sách địa phương. Trong những năm qua, ngành y tế  luôn chủ động phối hợp với BHXH tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền, vận động người cận nghèo tham gia bảo hiểm bằng nhiều hình thức: hội nghị, tờ rơi, lồng ghép tại tuyến cơ sở khu phố, ấp. Tuy nhiên, do mức đóng góp 30% là còn cao đối với những người thuộc hộ cận nghèo nên số lượng tham gia BHYT còn thấp. Mặc dù nguồn ngân sách địa phương còn rất khó khăn, chưa tự cân đối được, ngành y tế cùng với BHXH, Lao động  - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu UBND tỉnh vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, khuyến khích UBND huyện/thị vận động các nguồn kinh phí từ địa phương để hỗ trợ 30% còn lại mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2013 đã có huyện Đồng Phú thực hiện được chính sách hỗ trợ 100% BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, các quỹ vận động của huyện hỗ trợ 20% (bao gồm: Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, Quỹ nhân đạo), Quỹ người nghèo các xã/thị trấn hỗ trợ 10%. Trong thời gian tới, ngành y tế cùng với BHXH, Lao động Thương binh và Xã hội  tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu UBND tỉnh tuyên truyền, vận động tìm nguồn kinh phí hỗ  trợ khác nhau từ địa phương để hỗ  trợ mua 100% BHYT cho hộ cận nghèo.

Giám đốc: Nguyễn Đồng Thông

  • Từ khóa
10551

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu