Thứ 7, 20/04/2024 16:58:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:36, 28/04/2018 GMT+7

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sắp xếp giảm đầu mối, nhưng đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ

Thứ 7, 28/04/2018 | 15:36:00 4,533 lượt xem

BP - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Tỉnh ủy chọn là một trong 5 đơn vị điểm thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập. Nhằm làm rõ lộ trình và định hướng trong việc tái cơ cấu ngành, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Trần Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

P.V: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và chủ trương của Tỉnh ủy, đến thời điểm này, ngành đã triển khai việc sắp xếp tinh gọn bộ máy như thế nào, nhân sự bố trí ra sao và việc giải quyết chế độ cho những cán bộ, nhân viên thuộc diện tinh giản có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Ông Trần Văn Lộc: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, Tỉnh ủy đã chọn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong 5 đơn vị điểm. Đến nay, sở đang tiến hành xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Tỉnh ủy và đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh dự thảo đề án. Sau khi hoàn thiện đề án, sở sẽ tiếp tục trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy thống nhất trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thực hiện đề án, nông dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, công nghệ cao hơn. Trong ảnh: Nông dân xã Tân Khai (Hớn Quản) trồng dưa lưới trong nhà màng - Ảnh: H.Cúc

Do đề án phải thực hiện dựa trên nguyên tắc bốn giảm (giảm trung gian, giảm đầu mối, giảm biên chế và giảm chi thường xuyên từ ngân sách) nên việc sắp xếp nhân sự sẽ có nhiều biến động. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong quá trình sắp xếp lại vị trí chức danh lãnh đạo trong khi chưa có một cơ chế cụ thể nào trong lĩnh vực này, tất cả còn mang tính chất định hướng, chưa có quy định cụ thể để áp dụng. Về chính sách giải quyết đối với nhân sự dư ra sau khi thực hiện sắp xếp, ngành đang thực hiện theo Nghị định số 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên tỉnh cũng chưa có một cơ chế đặc thù khác để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện thực hiện tinh giản.

P.V: Theo ông, khi số lượng các đơn vị trực thuộc và nhân sự giảm xuống, việc điều hành nhiệm vụ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của sở như thế nào và sở có giải pháp gì để giảm thiểu ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao?

Ông Trần Văn Lộc: Có thể nói, định hướng giảm số lượng đầu mối các đơn vị tham mưu cho sở là rất lớn, từ 18 đầu mối xuống còn 8 đầu mối. Trong đó, một số chi cục có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ không còn nữa, như: Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Các chi cục này hợp nhất lại với một số trung tâm để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, còn chức năng quản lý nhà nước giao về văn phòng sở để tổ chức thực hiện. Vấn đề đặt ra là sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ như thế nào để đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ là rất quan trọng do giảm đầu mối quản lý chuyên ngành.

Vì số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc giảm và số lượng nhân sự sau sắp xếp cũng giảm theo nên để giảm tối đa ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, sở đã và đang tập trung thực hiện những việc sau: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương và định hướng của Tỉnh ủy về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18, 19 của Đảng đến từng tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thống nhất thực hiện. Rà soát, sắp xếp lại vị trí việc làm với phương châm “Một người làm nhiều việc, một việc chỉ có một tổ chức hoặc một người chủ trì thực hiện”. Rà soát, quy hoạch lại các chức danh từ phó trưởng phòng trở lên nhằm đảm bảo nguồn lực quản lý trong cơ cấu tổ chức ngành. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức nhằm nâng cao nghiệp vụ giải quyết công việc được giao.

P.V: Được biết, sau khi sáp nhập, trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật và trạm thú y không trực tiếp do sở quản lý theo ngành dọc mà chuyển về các huyện, thị xã quản lý. Yếu tố trên có ảnh hưởng gì đến việc phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi khi Bình Phước là một tỉnh có phần lớn dân số phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, thưa ông?

Ông Trần Văn Lộc: Như câu hỏi đã nêu, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn phải được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Sau khi chuyển giao các trạm về UBND huyện, thị xã quản lý, sở sẽ phối hợp với các huyện, thị xã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý và khống chế dịch bệnh.

P.V: Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành nông nghiệp nếu đưa vào xã hội hóa thì các mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn phục vụ xã hội không vì lợi nhuận có trở thành thứ yếu hay không? Việc làm này có ảnh hưởng gì đến quy hoạch và thực hiện nhiệm vụ của ngành hay không, thưa ông?

Ông Trần Văn Lộc: Theo tôi, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành nông nghiệp nếu đưa vào xã hội hóa được là cơ hội lớn để thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực vốn đối với các hoạt động sự nghiệp nông nghiệp, tạo tiền đề để các đơn vị sự nghiệp thực hiện mục tiêu tự chủ tốt hơn. Các mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn phục vụ xã hội không vì lợi nhuận phải được ưu tiên. Nhà nước sẽ đặt hàng các loại dịch vụ công cung ứng cho nông dân. Do vậy, việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp cũng không ảnh hưởng gì đến quy hoạch và thực hiện nhiệm vụ của ngành.

P.V: Theo ông, nếu triển khai có hiệu quả đề án này, người dân có liên quan đến những lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp quản lý sẽ được lợi gì?

Ông Trần Văn Lộc: Nếu chúng ta triển khai có hiệu quả đề án này, người dân liên quan đến lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp quản lý sẽ có nhiều lợi ích như: Khi các trạm chuyển giao về huyện, thị quản lý thì công tác đầu tư vốn trực tiếp của huyện, thị để thực hiện các chương trình, dự án cho dân được tập trung hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Công tác thanh tra được sắp xếp thành một đầu mối, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra (hạn chế trong năm các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh bị thanh tra trùng lặp). Khi thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện thì cơ hội tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sản xuất hay phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng - vật nuôi được thuận lợi hơn, nhờ vào sự tập trung một đầu mối hỗ trợ; công tác chuyển giao các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật trong sản xuất sẽ nhanh hơn và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Ly (thực hiện)

  • Từ khóa
1416

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu