Thứ 6, 29/03/2024 16:35:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 16:17, 27/08/2013 GMT+7

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản hồi thông tin trên Báo Bình Phước

Thứ 3, 27/08/2013 | 16:17:00 185 lượt xem

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Công văn số 591/VPUBND-KTN, ngày 8-7-2013 của Văn phòng UBND tỉnh về việc kiểm tra phản ánh của Báo Bình Phước số ra ngày 5-7-2013 phản ánh nội dung: “Ảnh hưởng từ lòng hồ thủy lợi Phước Hòa - Người dân mong mỏi tiền bồi thường thiệt hại”. Sau khi kiểm tra xem xét, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh và phản hồi thông tin cho Báo Bình Phước như sau:

Để có biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do việc xả lũ gây ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh giao thực hiện quy hoạch chi tiết phòng lũ và xây dựng cột mốc cảnh báo lũ sau hạ lưu hồ Sork Phu Miêng; quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1238/QĐ-UBND, ngày 24-5-2011. Trong quy hoạch đã xác định rõ những vùng bị ảnh hưởng do việc xả lũ được phân chia theo 3 vùng:

Vùng 1 và 2 chủ yếu theo suối Cam và nhánh suối Cam sát QL14 hướng về Đồng Xoài với cao trình ngập là 45,6m. Theo đó vùng 1 là vùng có khả năng ngập thường xuyên, thiệt hại chủ yếu đến lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Vùng 2 là vùng không ngập thường xuyên, ngập ảnh hưởng đến cây công nghiệp, giao thông và nhà cửa.

Vùng 3 là khu vực phía dưới QL14 ứng với cao trình ngập 45,5m, là vùng ít xảy ra, ngập ảnh hưởng lớn đến cây công nghiệp, đường giao thông, thiệt hại tài sản và tính mạng nhân dân.

Qua kết quả tính toán thì những khu vực bị ngập lụt tại các ấp Bàu Cây Me thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú chủ yếu nằm trong vùng thường xuyên bị ngập hàng năm do mưa, không phải do xả lũ của hồ Sork Phu Miêng và hồ Phước Hòa hoạt động gây ra.

Mặt khác, vừa qua sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân xã Thuận Phú về tình trạng ngập úng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh làm cơ sở báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Ban quản lý dự án thủy lợi 9 (chủ đầu tư xây dựng Dự án thủy lợi Phước Hòa) cùng đơn vị tư vấn kiểm tra, tính toán, đề xuất phương án xử lý cụ thể. Sau khi có kết quả kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có thông báo chính thức cho các hộ dân ở xã Thuận Phú biết.

Về việc các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Đồng Phú chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND xã Thuận Phú tiến hành kiểm tra, xác minh, lập biên bản đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể của từng hộ dân; đồng thời căn cứ theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, ngày 13-4-2007 của Chính phủ chỉ quy định về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Quyết định số 142/2009/BNN-TL, ngày 13-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để hỗ trợ. Nguồn kinh phí: đề nghị UBND huyện Đồng Phú sử dụng từ nguồn kinh phí phòng, chống lụt, bão và nguồn dự phòng của huyện để hỗ trợ, nếu vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.

Ngoài ra, đối với khu vực thường xuyên bị ngập úng hàng năm do mưa lũ gây ra, đề nghị UBND huyện Đồng Phú chỉ đạo UBND xã Thuận Phú khuyến cáo người dân chỉ nên trồng các cây trồng ngắn ngày như rau, đậu các loại... nuôi trồng thủy sản và cần tính toán thời gian gieo trồng để có thể thu hoạch trước tháng 6 hàng năm, trước khi mùa mưa lũ bắt đầu. Nhằm tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra, yêu cầu người dân không được sinh sống tại các khu vực này hay canh tác, sản xuất trong mùa mưa lũ (bắt đầu từ ngày 1-6 đến ngày 31-12 hàng năm).

Trên đây là nội dung phản hồi thông tin do báo chí nêu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyễn Văn Tới
(Giám đốc Sở NN&PTNT)

  • Từ khóa
94828

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu