Thứ 7, 20/04/2024 16:31:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:09, 02/08/2013 GMT+7

Sở Nông nghiệp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ 6, 02/08/2013 | 17:09:00 2,010 lượt xem

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về tình hình quản lý, vận hành khai thác các hồ thủy lợi nông trường 6 (xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập) và Nông trường 9 (xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập) hiện nay mực nước rất thấp ảnh hưởng đến sinh hoạt, canh tác của người dân.

Về vấn đề này, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời: Hồ NT6 theo thiết kế nâng cấp sửa chữa có mực nước dâng bình thường (mực nước hồ khi tích đầy nước) là 95,5m; mực nước chết (Mực nước thấp nhất thiết kế khi sử dụng hết dung tích hữu ích) là 91m; dung tích hữu ích của hồ là 2,75 triệu  m3.

Sau khi hoàn thành sửa chữa nâng cấp nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, hồ được giao cho công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước (gọi tắt là công ty thủy nông) quản lý khai thác. Để quản lý, bảo vệ hồ, công ty thủy nông đã bố trí 1 cán bộ kỹ thuật quản lý vận hành hồ. Theo báo cáo của công ty thủy nông, tại thời điểm cuối mùa khô 2013 mực nước hồ đo được là 94,9m thấp hơn mực nước khi hồ tích đầy nước (mực nước dâng bình thường) là 0,6m và cao hơn mực nước chết (mực nước thấp nhất thiết kế) là 3,9m. Tương ứng lượng nước đã sử dụng từ đầu mùa khô đến cuối mùa khô chỉ mới 0,25 triệu m3, chiếm 9,1 % dung tích hữu ích. Lượng nước còn trong hồ là 2,5 triệu m3  (còn 90,9 % dung tích hữu ích), như vậy, bảo đảm cung cấp nước cho nhu cầu tưới và sinh hoạt của nhân dân.

Tương tự hồ NT9, mực nước dâng bình thường (mực nước hồ khi tích đầy nước) là 92m, mực nước chết (mực nước thấp nhất thiết kế) là 88m, dung tích hữu ích 1,9 triệu m3. Công ty thủy nông cũng giao 1 cán bộ kỹ thuật quản lý vận hành hồ. Theo báo cáo của công ty thủy nông, mực nước hồ thực đo cuối mùa khô năm 2013 là 91,4m thấp hơn mực nước hồ khi tích đầy nước là 0,7m. Tương ứng lượng nước sử dụng từ đầu mùa khô đến cuối mùa khô là 0,387 triệu m3. Lượng nước còn lại trong hồ khoảng 1,5 triệu m3, (còn 80% dung tích hữu ích) như vậy, nước đảm bảo nhu cầu dùng nước tưới và sinh hoạt của nhân dân.

Căn cứ kết quả kiểm tra của công ty thủy nông như trên thì việc phản ánh của cử tri xã Long Hà và xã Long Tân về mực nước tại các hồ NT6, NT9 hiện xuống rất thấp ảnh hưởng đến sinh hoạt và canh tác của nhân dân là không có cơ sở.

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Việc công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho thuê mặt nước đập M26 (huyện Bù Đốp) để nuôi trồng thủy sản, dẫn đến tình trạng vào mùa khô khi mực nước xuống thấp, các hộ nhận khoán không cho các hộ làm vườn xung quanh hồ bơm nước tưới gây nên những xung đột và ảnh hưởng đến việc canh tác của các hộ làm vườn xung quanh.

Sở Nông nghiệp trả lời: Đập M26 đã được xây dựng trước giải phóng miền Nam. Do là đập đất nên tràn bị bào mòn hàng năm nên đến năm 2007 đập không còn phát huy tác dụng lấy nước tưới cho lúa. Theo đề nghị của địa phương, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành sửa chữa và nâng cấp đập, làm tràn bằng bê tông và nâng cao ngưỡng tràn đủ lấy nước vào hệ thống kênh đã có. Sau khi hoàn thành đập M26 được giao công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi (gọi tắt là công ty thủy nông) quản lý, bảo vệ. Đập có nhiệm vụ tưới hỗ trợ vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa khi mưa ít cho 120 ha lúa 1 vụ hoặc 2 vụ của ấp Điện Ảnh và Tân Trạch, xã Phước Thiện. Do không có bụng hồ nên dung tích hồ rất nhỏ. Theo báo cáo của công ty thủy nông hiện có khoảng 2 ha diện tích vườn ươm cây giống cây cao su và một ít tiêu, cà phê của các hộ dân là có nhu cầu sử dụng nước tưới tại công trình vào mùa khô. Tuy nhiên, do là đập dâng, không có dung tích trữ nước nên công ty thủy nông không bảo đảm được lượng nước tưới về mùa khô để ký kết hợp đồng tưới với người dân nên cho các hộ dân bơm tưới và tự chịu trách nhiệm về tưới. Công ty thủy nông không thu thủy lợi phí với các diện tích này. Ngoài ra, phần lớn diện tích đất còn lại xung quanh đập M26 được trồng cây cao su không có nhu cầu sử dụng nước tưới. Qua tìm hiểu của công ty thủy nông đối với những hộ dân xung quanh đập M26 được biết việc sử dụng bơm nước tưới bình thường mà không có tình trạng các hộ dân hợp đồng nuôi cá không cho các hộ làm vườn xung quanh hồ bơm nước tưới gây nên những xung đột và ảnh hưởng đến việc của sản xuất các hộ làm vườn xung quanh như ý kiến mà cử tri đã phản ánh trên. Tuy nhiên, để tránh tình trạng như cử tri phản ánh có thể xảy ra, công ty thủy nông sẽ tìm hiểu kỹ thêm về nguyên nhân và nếu cần thiết sẽ chấm dứt hợp đồng nuôi cá tại đập M26.

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về phương án tiếp nhận, quản lý, khai thác các hồ thủy lợi sau khi được Tập đoàn Cao su bàn giao về cho địa phương.

Sở Nông nghiệp trả lời: Bảy hồ chứa nước do công ty cao su Phú Riềng bàn giao cho tỉnh quản lý gồm: Hồ NT4 (Long Hưng), Hồ NT6 (Long Hà), hồ NT8 (Bình Tân), hồ NT9 (Long Tân), hồ NT10 (Phú Riềng), hồ NT2 - Đội 7 (Phước Minh), hồ NT2 - Đội 8 (Đa Kia). Các hồ này được công ty cao su Phú Riềng xây dựng trước năm 1990 phục vụ tưới vườn ươm của các nông trường và hồ thủy điện. Các đập ngăn nước của các hồ này đều là đập đất, không có bảo vệ mái thượng lưu. Tràn xả lũ là tràn đất, mặt đập đều là đường đi lại. Hiện trạng các hồ trước khi bàn giao như sau:

Hồ NT4 đã bị vỡ một đoạn dài 20m. Hồ NT6 tràn xả lũ đặt cống qua đường khẩu độ quá nhỏ, mặt đập đã được láng nhựa. Hồ NT9 thi công dở dang, tràn xả lũ tạm bằng đất. Hồ NT8, nước thấm qua thân đập nên công ty cao su Phú Riềng đã đào hạ tràn thấp xuống 2m để hạ thấp mực nước hồ. Các hồ còn lại đều là đập nhỏ, bằng đất, tràn xả lũ bằng đất. Tất cả các hồ đều không có cống dưới đập để xả nước về hạ lưu.

Do các công trình đều xuống cấp và không đảm bảo an toàn, cần được đầu tư  bảo đảm an toàn hồ chứa. Tuy nhiên, công ty cao su Phú Riềng đã không thực hiện đầu tư nâng cấp do các hồ này không còn phục vụ mục tiêu sản xuất của công ty. Công ty cao su Phú Riềng đã đề nghị bàn giao về địa phương quản lý. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận bàn giao và giao cho công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý. Đồng thời, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các hồ này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) và giao cho tỉnh thực hiện. Sau khi được Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn vốn TPCP, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện sửa chữa nâng cấp 7 hồ này từ năm 2008 và hoàn thành việc nâng cấp sửa chữa vào năm 2011. Sau khi nâng cấp, sửa chữa các hồ có nhiệm vụ và quy mô như sau:

Hồ NT4 tạo nguồn tưới cho 96 ha đất canh tác vụ mùa và 35 ha lúa nước ở phía hạ lưu, cấp nước sinh hoạt với công suất 12.000m3/ngày đêm. Hồ NT6 tạo nguồn tưới cho 100 ha đất canh tác trồng cây ven hồ và 100 ha lúa nước phía hạ lưu, cấp nước sinh hoạt với công suất 8.000 m3/ngày đêm. Hồ NT8 tạo nguồn tưới cho 155 ha đất canh tác trồng cây ven hồ và 57 ha lúa nước phía hạ lưu, cấp nước sinh hoạt với công suất 3.000 m3/ngày đêm. Hồ NT9 tạo nguồn tưới cho 100 ha đất canh tác trồng cây ven hồ, cấp nước sinh hoạt với công suất 7.000 m3/ngày đêm. Hồ NT10 tạo nguồn tưới cho 80ha đất canh tác trồng cây ven hồ và 30ha lúa nước phía hạ lưu. Hồ NT2 Đội 7 tạo nguồn tưới cho 200 ha đất canh tác trồng cây ven hồ và 50 ha lúa nước phía hạ lưu. Hồ NT2- Đội 8: đảm bảo an toàn giao thông qua lại trong khu vực và cải thiện môi trường sinh thái. Hiện nay, các hồ chứa đã được bàn giao cho công ty TNHH MTV dịch vụ thủy quản lý, khai thác.

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: Hiệu quả dự án thủy lợi sau Cần Đơn giai đoạn 1? Tình hình triển khai thực hiện dự án này trong giai đoạn 2? Việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc?

Dự án sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn có nhiệm vụ: Lấy nước từ hồ thủy điện Cần Đơn để cung cấp nước tưới cho 4.548 ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu úng cho 260 ha thuộc Bàu Dài; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, kết hợp phát triển giao thông… Quy mô dự án, gồm: 17.96 km kênh chính, 32 km kênh tưới cấp một, 7.2 km kênh tiêu cấp một, 18 km kênh tưới nội đồng và 4 km kênh tiêu nội đồng.

Dự án Sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn được chia thành 2 giai đoạn theo phân kỳ đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt (Năm 2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án và dự kiến đầu tư bằng vốn ngân sách do bộ quản lý cho phần kênh chính, phần kênh cấp 1 và nội đồng bộ giao tỉnh đầu tư (Quyết định số 5121/QĐ-BNN-XDCB ngày 26-10-2001)). Theo quyết định này, giai đoạn 1 của dự án xây dựng 11,462 km kênh chính. Do khó khăn về ngân sách nên bộ chưa thực hiện đầu tư được. Năm 2004, Bộ trình Chính Phủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ (TPCP). Khi được Chính phủ chấp thuận, năm 2006, bộ đã giao cho tỉnh thực hiện đầu tư (Công văn số 1154/ BNN-KH ngày 9-3-2006). Sau khi bộ giao tỉnh tiếp tục quản lý đầu tư bằng nguồn vốn TPCP, UBND tỉnh giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ đầu tư và phê duyệt lại dự án trên cơ sở phê duyệt dự án của bộ (Quyết định số 2426/QĐ-UBND ngày 28-11-2007). Để thực hiện 11,462 km kênh chính giai đoạn I, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia thành 4 gói thầu xây lắp và tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng vào năm 2009, khi được Chính phủ giao vốn TPCP. Gói thầu 1 và 2 (3,504 km) đã xây dựng xong từ năm 2010; gói thầu 3 và 4 do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay chưa thực hiện hoàn thành (gói thầu số 03 đạt 77% khối lượng; gói thầu số 04 đạt 65% khối lượng),(về vướng mắc mặt bằng: (gói thầu số 3: còn 04/87 hộ không bàn giao mặt bằng hoặc cản trở thi công, gói thầu số 4: còn 12/136 hộ không bàn giao mặt bằng hoặc cản trở thi công). Do giai đoạn 1, chỉ mới làm kênh chính, chưa có kênh cấp1 và kênh nội đồng nên chưa tưới được, vì vậy để công trình phát huy hiệu quả, cần thiết phải thực hiện giai đoạn 2 để hoàn thiện tuyến kênh chính, kênh cấp 1, hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng. Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án giai đoạn 2 tại Quyết định số 2110/QĐ-UBND ngày 30-7-2009, quy mô giai đoạn 2 gồm 6,498 km kênh chính còn lại và toàn bộ hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng. Tuy nhiên, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký vốn TPCP chỉ cho giai đoạn 1 nên tỉnh phải báo cáo Chính phủ bổ sung danh mục giai đoạn 2 vào kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2011-2015. Vì vậy, kế hoạch vốn giai đoạn 2 đến tháng 6-2012 mới được giao kế hoạch vốn thực hiện. Hiện nay, Giai đoạn 2 đã thực hiện thi công xây lắp kênh cấp 1 của đoạn kênh chính giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành trong mùa khô 2014. Kênh chính còn lại và kênh cấp 1 của đoạn kênh chính này đang giải phóng mặt bằng và thiết kế. Dự kiến sẽ trao thầu trước tháng 12-2013 và hoàn thành trong mùa khô năm 2015 theo kế hoạch vốn TPCP.

* Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về công tác đảm bảo an toàn các hồ, đập trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp trả lời: Hiện nay, tổng số công trình hồ chứa nước thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh là 50 công trình (chưa kể các hồ do các cơ quan trung ương trên địa bàn quản lý). Trong đó, công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý 40 công trình, 7 công trình do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quản lý khai thác và 3 công trình do UBND các xã quản lý, khai thác. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nâng cấp bảo đảm an toàn cho 11 hồ xây dựng trước năm 1997 đã xuống cấp. Hiện nay chỉ còn hồ Suối Giai chưa được nâng cấp, sửa chữa; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ thực hiện. Hiện nay, các bộ đã có ý kiến, Chính phủ đang xem xét, hỗ trợ. Các công trình xây dựng sau ngày tái lập tỉnh được xây dựng bảo đảm quy trình, quy phạm hiện hành.

Về tổ chức quản lý khai thác: Ngoài 7 hồ, đập do các tổ chức khác quản lý như: Hồ NT7 do công ty Vedan quản lý, hồ Phước Bình, Hồ Đội 5 NT1, hồ Suối Cam, hồ Suối Rạt do công ty cao su Phú Riềng quản lý, hồ Suối Lam do công ty cổ phần cao su Đồng Phú quản lý, hồ Hoa Mai do Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập quản lý. 3 hồ nhỏ do địa phương quản lý (đập Tàu Ô (xã Tân Khai, Hớn Quản); đập, hồ Sóc Xiêm; Hồ Lộc Bình (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh)). 40 hồ, đập còn lại do công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi quản lý. Công ty là một doanh nghiệp nhà nước, hoạt động công ích, có tổ chức đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

*Về kiểm tra an toàn hồ chứa : Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 đợt kiểm tra an toàn hồ chứa gồm: trước mùa mưa lũ, trong mùa mưa lũ và sau mùa mưa lũ. Năm 2013, đã hoàn thành kiểm tra trước mùa mưa lũ, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo về an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ tại Báo cáo 128/BC-SNN ngày 13-6-2013. Theo báo cáo này, thì không có công trình nào được đánh giá là mất an toàn trong mùa mưa lũ 2013.                         

Giám đốc Nguyễn Văn Tới

  • Từ khóa
8692

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu