Thứ 6, 29/03/2024 20:41:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:36, 19/12/2018 GMT+7

Sở NN&PTNT trả lời kiến nghị của cử tri

Thứ 4, 19/12/2018 | 14:36:00 830 lượt xem
BP - Ngày 28-11-2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3621/UBND-TH gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ngày 7-12-2018, Giám đốc Sở NN&PTNN Trần Văn Lộc ký ban hành Văn bản số 1753/SNN-VP trả lời các ý kiến, kiến nghị như sau:

Cử tri phường Long Phước và phường Phước Bình, thị xã Phước Long phản ánh: Người dân có tâm huyết phát triển kinh tế nông nghiệp để làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay ngành chức năng chưa có định hướng rõ ràng về giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao, chẳng hạn như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo nên trồng cây cao su G4, nhưng đôi khi lại khuyến cáo không nên trồng vì giống cây này dễ gãy đổ,... Đề nghị ngành chức năng của tỉnh cần có định hướng cụ thể giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Trả lời: Theo hướng dẫn sử dụng, bố trí cơ cấu các giống cao su của Viện Nghiên cứu cao su, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng như của ngành nông nghiệp thì: Thứ nhất, cơ cấu giống cao su trong từng giai đoạn 5 năm sẽ được hiệu chỉnh... Thứ hai, tùy theo mỗi vùng sản xuất mỗi giống cao su không vượt quá từ 10-20%, trồng cách ly - mỗi giống không trồng liền vùng vượt quá 200 ha..., để cập nhật tiến bộ về giống, kiểm soát sâu, bệnh hại. Nên việc khuyến cáo vùng này trồng, lúc này trồng và vùng này không nên trồng giống G4 là có cơ sở.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước đến năm 2020, về tái cơ cấu nền kinh tế đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó nội dung tái cơ cấu ngành NN&PTNN gắn với xây dựng nông thôn mới thì lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững. Để định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, với vai trò cơ quan chuyên môn, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNN đã và đang tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Các quy hoạch dựa trên cơ sở đánh giá lợi thế của từng loại đất, khí hậu..., khuyến cáo người dân sử dụng cây - con giống cho phù hợp giúp sản xuất nông nghiệp ổn định, phát triển bền vững. Bên cạnh công tác quy hoạch, định hướng chung trên toàn tỉnh về trồng trọt, chăn nuôi thì hằng năm theo mùa vụ ngành nông nghiệp đều có các kế hoạch, văn bản chỉ đạo sản xuất, trong đó đã khuyến cáo về các bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mùa vụ, vùng miền... đã giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như tăng trưởng của ngành nông nghiệp có những chuyển biến tích cực.

Nhiều diện tích cây ăn trái đã được các hợp tác xã hoặc nông hộ trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học - Ảnh: Đ.Kiểm

Ví dụ: Đối với cây cao su, sử dụng các giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ - gỗ theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Sử dụng các giống như PB260, PB235, PB255, RRIV1, RRIV5, RRVI124... Đối với cây điều: Tập trung chọn tạo các giống địa phương, phát triển các giống điều đã được Bộ NN&PTNN công nhận cho kết quả tốt tại địa phương như  PN1, LG1, CH1, MH4/5 và MH5/4 và các giống chọn lọc của địa phương (BP18; BP27, BP43, BP68 và BP89...) theo sổ tay chọn giống điều do Sở NN&PTNN ban hành. Đối với cây cà phê, sử dụng giống cà phê ghép cho năng suất, chất lượng cao hơn so với hiện tại. Tập trung sử dụng các giống cà phê vối phù hợp với vùng Đông Nam bộ như TR4- TR9, TR11, TR12, TR13; ngoài ra có thể sử dụng các giống hạt lai có năng suất, chất lượng tốt khác.

Để sản xuất nông nghiệp ổn định, phát triển bền vững nông dân phải căn cứ trên 2 điều kiện cơ bản là phù hợp quy hoạch của ngành và sản phẩm phải có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Do vậy, ngành cũng đề nghị và mong muốn khi đã xác định đầu tư giống cây trồng, vật nuôi người dân nên liên hệ với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn các huyện, thị để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể sát điều kiện của từng huyện, thị và của tỉnh.

Cử tri xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng phản ánh: Hiện nay, tại 2 thôn Bình Trung và Bình Thọ, xã Nghĩa Bình đang được đầu tư xây dựng đập thủy lợi. Đề nghị Sở NN&PTNN công khai việc thiết kế quy hoạch, giá trị bồi thường cho người dân được biết.

Trả lời: Công trình hồ chứa nước Đaou 2, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng thuộc dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới tỉnh Bình Phước do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNN làm chủ đầu tư, được Bộ NN&PTNN phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 4427/QĐ-BNN-KH. Ngày 3-5-2017, Ban quản lý dự án đã phối hợp cùng UBND huyện Bù Đăng và UBND xã Nghĩa Bình mời các hộ dân có đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng công trình để công bố quyết định đầu tư công trình và đã được niêm yết công khai cho người dân. Trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND huyện Bù Đăng đã có Thông báo số 182/TB-UBND ngày 31-10-2018  về việc thu hồi đất và niêm yết bản đồ địa chính phạm vi giải phóng mặt bằng công trình.

Công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng hồ Đaou 2, huyện Bù Đăng: Sau khi hoàn thành công tác công bố quyết định đầu tư, Ban quản lý dự án đã đề nghị UBND huyện Bù Đăng thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình tại Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 22-8-2018 của UBND huyện Bù Đăng. Ngày 7-9-2018, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình tổ chức họp thông qua kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng công trình và ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 13-9-2018 về việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư công trình hồ chứa nước Đaou 2 thuộc Dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao biên giới tỉnh Bình Phước để làm cơ sở thực hiện. Trên cơ sở bản đồ giải thửa công trình, Ban quản lý dự án đã đề nghị UBND huyện Bù Đăng ban hành Thông báo số 182/TB-UBND ngày 31-10-2018 về việc thu hồi đất và niêm yết công khai thông báo này cho nhân dân biết. Ngày 3-11-2018, tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình đã tổ chức họp dân thông báo kế hoạch kiểm đếm ngoài thực địa và tiếp tục phổ biến đơn giá, chính sách bồi thường hỗ trợ áp dụng cho công trình. Cụ thể: Về chính sách bồi thường áp dụng theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 30-3-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về chính sách, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước; về đơn giá nhà, vật kiến trúc, cây trồng áp dụng theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 12-1-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ về nhà, vật kiến trúc, cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Riêng đơn giá bồi thường về đất, Ban quản lý dự án ký hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập thực hiện thẩm định giá đất, sau đó trình Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để áp giá bồi thường cho người dân.

Hiện nay, tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình đã hoàn thành công tác kiểm đếm ngoài thực địa cho 20/60 hộ dân. Sau khi hoàn thành công tác kiểm đếm cho các hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng công trình, tổ chuyên viên giúp việc cho Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng công trình sẽ lập phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết và tổ chức họp dân công khai giá trị bồi thường của từng hộ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.                   

Giám đốc Trần Văn Lộc

  • Từ khóa
25143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu