Thứ 6, 29/03/2024 20:20:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:02, 12/12/2018 GMT+7

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị của cử tri

Thứ 4, 12/12/2018 | 13:02:00 719 lượt xem
BPO - Ngày 28-11-2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3621/UBND-TH gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri. Ngày 7-12-2018, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Lộc đã ký ban hành Văn bản số 1753/SNN-VP trả lời các ý kiến, kiến nghị như sau:

Cử tri xã Tân Khai, huyện Hớn Quản: Đề nghị UBND tỉnh xem xét tình trạng ngập úng hoa màu của các hộ tại khu vực thượng lưu đập Bàu Úm.

Trả lời: Phía thượng lưu đập Bàu Úm có 1 nhánh suối chảy ra hồ, lòng suối hẹp, sườn đồi dốc và các hộ dân sinh sống hai bên suối trồng cây cao su sát bờ suối, vào mùa mưa do lòng suối hẹp lượng nước từ sườn đồi dốc đổ về nhiều nên thoát không kịp và gây ngập cục bộ vườn cao su gần bờ suối. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, đề nghị người dân đào rãnh để gom và tiêu thoát nước; những vùng ven suối trũng, thấp và thường ngập lâu trong mùa mưa, khuyến cáo nhân dân không nên trồng các loại cây trồng dài ngày nếu như không có giải pháp công trình phù hợp nhằm tránh thiệt hại.

Cử tri Lê Thị Chải, ấp 6, huyện Hớn Quản: Kiến nghị nhà cử tri ở tổ 3, ấp 6 gần đập Bàu Úm, 2 năm nay do nguồn nước ở đập dâng cao làm nứt tường nhà có nguy cơ sụp đổ. Nguồn nước sinh hoạt ăn uống bị nhiễm phèn, cây cối không phát triển được do ảnh hưởng của đập Bàu Úm, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị sớm xem xét, giải quyết.

Trả lời: Hộ nhà bà Lê Thị Chải nằm ngoài phạm vi hồ Bàu Úm nên việc nứt tường nhà có nguy cơ sụp đổ và nguồn nước bị nhiễm phèn không phải do hồ Bàu Úm gây ra. Lý do nứt tường nhà có nguy cơ sụp đổ và nguồn nước bị nhiểm phèn là: công trình xây dựng đã trên 20 năm và làm trên nền đất cát vào mùa mưa nước từ sườn đồi đổ xuống qua nhà bà Chải gây ra ngập cục bộ nhà và vườn. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, đề nghị người dân đào rãnh để gom và tiêu thoát nước; những vùng ven suối trũng, thấp và thường ngập lâu trong mùa mưa khuyến cáo nhân dân không nên trồng các loại cây trồng dài ngày nếu như không có giải pháp công trình phù hợp nhằm tránh thiệt hại.

Cử tri xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập đề nghị: UBND tỉnh có giải pháp phát triển nông nghiệp chế biến sâu các mặt hàng nông sản chủ lực, không để xuất thô, không để tình trạng người nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Trả lời: Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm điều, tiêu của Bình Phước, tăng cường các mối liên kết với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương và các địa phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Chú trọng đến việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm hạt điều, tiêu của tỉnh Bình Phước thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, cung cấp thông tin về diễn biến, dự báo, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường…

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Bình Phước giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 tại Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 30-6-2016 của UBND tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nhân điều thành thực phẩm ăn liền. Phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa cho một số nông sản có thế mạnh và đặc trưng của tỉnh. Phát triển liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản theo chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, thu mua, sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương như: chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, chính sách về đào tạo và chuyển giao công nghệ, chính sách hỗ trợ các thành viên đầu tư sản xuất kinh doanh theo chuỗi, giải pháp về vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo nguồn lực cho việc triển khai các chuỗi liên kết.

Đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ, đầu tư cho ngành công nghệ chế biến sâu các sản phẩm hạt điều, tiêu. Chuyển giao kỹ thuật chế biến tiên tiến và đảm bảo chất lượng, ATTP theo quy định, đầu tư cho việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền hiện đại trong việc chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

Thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý kinh doanh cho các chức danh quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước thông qua các khóa đào tạo tập huấn trong nước về kỹ năng phân tích, tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, BRC, HACCP, ISO… xây dựng, quảng bá hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng nông sản.

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thông tin cơ sở dữ liệu về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng như nhu cầu đặt hàng thực tế, ban hành các chính sách quy định, quy chuẩn, nâng cao công tác quản lý đầu vào của ngành nông nghiệp như giống cây chồng vật nuôi, phân bón thức ăn, vắc xin dịch bệnh và công tác quản lý đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và xúc tiến thương mại. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ, trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các thị trường kinh vùng kinh tế phía nam. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành chế biến điều, tiêu, cao su, chế biến gỗ, tinh bột mì đối với thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cử tri xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp phản ánh: Trên địa bàn xã Phước Thiện có dự án giao đất cho Tỉnh đội Bình Phước trồng cây ăn trái và cây công nghiệp nhưng hiện nay diện tích đất giao trên lại chuyển đổi mục đích sử dụng, cụ thể là xây dựng trại heo. Vậy có phù hợp với mục đích giao đất ban đầu không? Cử tri lo lắng phát sinh vấn đề về môi trường trong tương lai, cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Trả lời: Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây ăn trái và cây công nghiệp sang xây dựng trang trại chăn nuôi heo là nhu cầu của người sử dụng đất. Tuy nhiên khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng trọt sang chăn nuôi, phải căn cứ vào các quy định hiện hành và Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 13-11-2017 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với vấn đề cử tri nêu, không phản ánh cụ thể trại chăn nuôi heo thuộc thôn, ấp nào nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thể trả lời cụ thể cho cử tri được rõ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xác minh để trả lời cho cử tri.

Giám đốc Trần Văn Lộc

  • Từ khóa
24647

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu