Thứ 7, 20/04/2024 16:48:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:37, 24/02/2018 GMT+7

Số người nghỉ hưu trước tuổi tăng cao

Thứ 7, 24/02/2018 | 14:37:00 300 lượt xem
BP - Tết Mậu Tuất 2018, anh bạn tôi từ phía Bắc cùng gia đình thực hiện chuyến du xuân vào Nam để tránh rét. Khác với vẻ vội vàng mọi khi, năm nay anh có vẻ rất thảnh thơi. Hỏi khi nào trở ra Bắc, anh trả lời chơi đến khi nào chán thì về, vì vợ chồng anh đều đã nghỉ hưu trước tuổi.

Hỏi sao chưa đủ 60 tuổi đã nghỉ, anh giải thích: Dù chưa đủ 60 tuổi, nhưng anh đã có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng lương hưu là 6 triệu đồng. Theo tính toán của anh, khi thực hiện chế độ BHXH mới, nếu anh hưởng chế độ hưu trí từ tháng 12-2017 thì mức hưởng lương hưu hằng tháng sẽ là 6 triệu đồng x 75% = 4,5 triệu đồng. Nhưng nếu sang năm 2018 anh mới hưởng chế độ hưu trí thì mức hưởng lương hưu hằng tháng sẽ giảm. Cụ thể là: 6 triệu đồng x 73% = 4,38 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng anh sẽ thiệt 120 ngàn đồng. Tương tự, vợ anh dù chưa đủ 55 tuổi, nhưng đã có 25 năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng lương hưu là 5 triệu đồng. Nếu vợ anh hưởng chế độ hưu trí từ tháng 12-2017 thì mức hưởng lương hưu hằng tháng là 5 triệu đồng x 75% = 3,75 triệu đồng. Nhưng nếu sang năm 2018 mới nghỉ thì mức hưởng lương hưu hằng tháng chỉ còn là 5 triệu đồng x 65% = 3,25 triệu đồng, giảm 500 ngàn đồng/tháng. Ấy là chưa kể mình xin nghỉ hưu trước tuổi lại được lãnh đạo cơ quan ủng hộ, vì đã giúp đơn vị giảm được biên chế - một việc rất khó đối với tất cả cơ quan, đơn vị khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Người tham gia bảo hiểm làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh - Ảnh: Nguyễn Bình

Kể từ khi ngành bảo hiểm triển khai thực hiện chế độ BHXH mới, những trường hợp như vợ chồng anh bạn tôi không còn là chuyện hiếm. Ở nhiều địa phương, tình trạng cán bộ, công chức, nhất là trong ngành giáo dục đi giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu trước tuổi khá phổ biến. Mà việc đi giám định sức khỏe thì ai cũng biết, chỉ là vấn đề “thủ tục” mà thôi. Bởi thế, gần như trường hợp nào xin giám định sức khỏe cũng đều được xác nhận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên để đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi. Thế nên có địa phương số người xin nghỉ hưu sớm tăng gấp 3 lần so với thời gian trước đó.

Một người quen của tôi phụ trách nhân sự tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) cho biết, ở công ty của ông có khoảng 70 lao động nữ, trong đó 10 người ở độ tuổi trên dưới 50. Từ khi có thông tin BHXH sẽ tính lương hưu theo phương pháp mới, số lao động này đồng loạt xin nghỉ chế độ trước tuổi. Người thì viện lý do sức khỏe, người nói do hoàn cảnh gia đình, trong khi vài tháng trước chẳng ai có vấn đề gì. Việc nhiều lao động nữ có thâm niên đồng loạt xin nghỉ hưu sớm khiến công ty lâm vào thế khó, bởi trước mắt công ty chưa có lực lượng kế cận thay thế. Người này cho biết, lao động nữ khó trụ được qua tuổi trên dưới 40, nên những người đã gắn bó tới khoảng 50 tuổi đều là những người có năng lực và sức khỏe, lại tâm huyết với công việc. Công ty đã dự định sẽ sử dụng họ đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí có thể ký tiếp hợp đồng sau khi họ nghỉ hưu. Thế nhưng bây giờ họ có nguyện vọng nghỉ hưu sớm thì đành phải chấp nhận. Người này không ngớt than thở, bởi thời điểm cuối năm việc tuyển nhân sự mới, có kinh nghiệm làm việc lại càng khó.

Năm 2017, BHXH tỉnh Bình Phước đã giải quyết cho 1.153 người lao động hưởng chế độ hưu trí trên địa bàn tỉnh, tăng 290 người, tương ứng tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 54 Luật BHXH là 525 người (so với cùng kỳ năm trước tăng 83 người, tương ứng tăng 19%). Người lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí khi suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH là 628 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 49%.

Theo Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH năm 2014 thì từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu. Cụ thể là: Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018; đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019; đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020; đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021; đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động gồm cả nam và nữ được cộng 2%, tối đa không quá 75%. Như vậy, từ ngày 1-1-2018, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH thêm 5 năm, nâng tổng số năm đóng BHXH là 30 năm. Trường hợp lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH sẽ bị giảm 4-10% lương hưu so với cách tính cũ. Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%. Trong khi từ năm 2017 trở về trước chỉ cần đủ 30 năm.

Cho dù BHXH Việt Nam đã khuyến cáo, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu theo phương pháp mới chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không phải tất cả đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm và đưa ra những ví dụ cụ thể. Tuy nhiên vẫn tạo nên một “làn sóng” xin nghỉ hưu trước tuổi. Có đơn vị rơi vào khủng hoảng thiếu nhân sự khi số người xin nghỉ hưu trước tuổi quá nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu của đơn vị.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
93496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu