Thứ 5, 25/04/2024 18:07:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 11:01, 22/03/2013 GMT+7

Siết chặt thức ăn đường phố: Khó hay dễ? (tt)

Thứ 6, 22/03/2013 | 11:01:00 314 lượt xem

>> Bài 1: Thức ăn đường phố: Rẻ tiền, tiện lợi, nhưng...

BÀI 2: Nhiều bất cập khi thực hiện Thông tư 30

NGƯỜI BÁN GẶP KHÓ

Tại Thông tư số 30 của Bộ Y tế ở phần giải thích từ ngữ có ghi: “Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự”. Theo đó, người kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo ba điều kiện: “Một là, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Hai là, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Việc khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. Ba là, người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố”.

an toàn vệ sinh thực phẩm

Xe đẩy bán chè ở vỉa hè gần cổng trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước

Trên thực tế để làm được theo quy định là không dễ dàng, vì liên quan đến nhiều khâu. Bà Tú có gánh xôi bán rong trên đường Lê Duẩn nói: “Người nghèo ít vốn, ít chữ phải đi bán hàng rong kiếm sống, vậy mà còn quy định ngặt nghèo. Nếu khó quá, tôi đành phải bỏ bán xôi để kiếm việc khác”. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu mà người tiêu dùng hướng đến. Thế nhưng, việc người bán phải sắm được tủ kính, giá tủ, trang bị đồ dùng, phương tiện đảm bảo theo quy định của thông tư thì không đơn giản với phần lớn đối tượng khó khăn này. Hầu hết người bán là dân nghèo, từ nơi khác đến thuê trọ kiếm sống, chỉ là thúng xôi nhỏ nhưng phải nuôi cả nhà. Chị Nguyễn Thị Sao có gánh chè than thở: Người bán hàng rong lấy công làm lãi. Số tiền thu về trong ngày vừa trang trải cuộc sống, vừa gối đầu cho gánh hàng sau, lấy đâu ra tiền mua tủ kính. Nếu mua được thì gánh đi làm sao? Nội dung thông tư quy định là đúng và rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có giải pháp và lộ trình phù hợp để những người buôn bán thức ăn đường phố không phải bỏ nghề mà sống được với nghề. Khi chúng tôi hỏi về việc chủ kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận đảm bảo sức khỏe đủ điều kiện hành nghề, nhiều người cho rằng đã dẫn đến cơ chế “xin - cho”, bởi bình thường đã có quá nhiều thủ tục rườm rà, nay lại phát sinh việc cấp giấy xác nhận thì dễ xảy ra tiêu cực.

KIỂM SOÁT NGUỒN GỐC THỰC PHẨM: CƠ QUAN CHỨC NĂNG KHÔNG THỂ THỰC THI

Theo Thông tư 30 “Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định”. Thực tế, lực lượng nào sẽ đi kiểm định được hết số lượng xem nguyên liệu của thức ăn đường phố có đáp ứng được điều kiện nêu trên. Chị T có hàng xe đẩy bán gần khu vực trường Mầm non Họa Mi (phường Tân Phú) cho biết: Nếu áp dụng quy định nguyên liệu dùng chế biến phải có hóa đơn, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì không chỉ nước giải khát mà nhiều nơi bán đồ ăn chắc phải dẹp bỏ. Các loại nguyên liệu dùng để chế biến chủ yếu mua ngoài chợ nhưng không thấy ai đưa hóa đơn, vì có lấy về cũng chẳng để làm gì.

Đồng quan điểm với chị T, chủ một gánh bánh ướt trên đường Phú Riềng Đỏ (gần trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước) nói: Tại sao cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ từ khâu cung cấp nguyên liệu như lò mổ gia súc, gia cầm, lò làm bún, chả, bánh ướt..., đồng thời làm chặt khâu nhập hàng về địa bàn thì khỏi phải lo “thực phẩm bẩn” tràn lan thị trường. Còn chủ quán bán bún thịt nướng trên đường Nguyễn Bình, đối diện cổng trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước nói: Quan trọng là cái tâm của người bán có làm thật, nói thật hay không. Bởi, nếu được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng họ vẫn đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết, không nghĩ tới sức khỏe của người khác thì giấy xác nhận tập huấn cũng chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Ông Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Hai năm qua, chi cục đã phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng ngàn đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố. Ngay sau khi Thông tư 30 của Bộ Y tế ban hành, chi cục đã phối hợp thống kê số hộ kinh doanh thức ăn đường phố ở các huyện, thị xã để nắm được những khó khăn của đối tượng này, sau đó sẽ tổ chức phổ biến, tập huấn bổ sung kiến thức và truyền thông vận động người dân cùng thực hiện. Để góp phần làm tốt Thông tư 30, mỗi loại thực phẩm liên quan đến ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm định an toàn về chất lượng trước khi cung cấp ra thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng phải có chế tài mạnh đối với những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm được như vậy mới mong giải quyết được vấn đề từ gốc, sẽ hạn chế được thực phẩm không an toàn trà trộn vào thị trường.

Ông Dũng cho biết thêm: Rất khó kiểm soát chặt chẽ được hết các điểm kinh doanh thức ăn đường phố trong toàn tỉnh. Vì vậy, ngành khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm an toàn, kiên quyết không dùng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi nếu không, chính người tiêu dùng lại vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm.                           

Hải Châu

  • Từ khóa
92190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu