Thứ 4, 24/04/2024 20:13:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:50, 29/04/2013 GMT+7

"Sẽ xử lý nghiêm trường hợp ép học sinh học thêm"

Thứ 2, 29/04/2013 | 08:50:00 214 lượt xem


Giờ học tiếng Anh của học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Trước những băn khoăn lo lắng của phụ huynh về việc học tiếng Anh liên kết, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.


- Thưa ông, việc dạy tiếng Anh liên kết trong các trường tiểu học tại Hà Nội được Sở quản lý như thế nào?

Ông Phạm Xuân Tiến: Mặt bằng dân trí ở Hà Nội, cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con học tiếng Anh sớm, coi môn học này là nền tảng để tiếp cận tri thức và hội nhập quốc tế, nhưng ngoại ngữ ở cấp học tiểu học hiện nay vẫn là môn học tự chọn với 2 tiết/tuần (không bắt buộc). Là môn tự chọn nên số lượng giáo viên ít, các trường phải hợp đồng thêm giáo viên đủ để đảm bảo việc dạy cho học sinh. 

Vì thế, đáp ứng nhu cầu của nhiều cha mẹ học sinh mong muốn con em có trình độ tiếng Anh tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương cho phép các trường có điều kiện, có nhu cầu từ phía cha mẹ học sinh tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh trên 2 tiết/tuần. 

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai từ cách đây 10 năm, nhưng Hà Nội mới làm từ năm 2008. 

Quy trình để các chương trình được cấp phép được tiến hành qua các bước cụ thể.

Đối với chương trình liên kết trong nhà trường, các đơn vị xây dựng đề án và trình bày với lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục Tiểu học và các bộ phận chuyên môn. Sau đó, Sở sẽ cho phép thí điểm ở một số trường.

Trong quá trình thí điểm có tổ chức hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Sở, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, chuyên viên phụ trách tiếng Anh; về phía cơ sở có phòng giáo dục đào tạo, hiệu trưởng, giáo viên tiếng Anh. Phụ huynh học sinh cũng tham gia vào buổi hội thảo này.

Sau khi cấp phép, Sở sẽ giao cho các phòng giáo dục đào tạo chỉ đạo và các đơn vị làm việc với các nhà trường để đi đến thỏa thuận hợp tác.

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, hàng năm, các đơn vị đều tổ chức tập huấn hai, ba lần về các kỹ năng, tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm. Sở giám sát việc giảng dạy thông qua báo cáo từ các phòng và tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất.

Với giáo viên người nước ngoài phải có bằng sư phạm và Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài quản lý số giáo viên này. 

Bên cạnh đó, từng giáo viên và chương trình sẽ được kiểm tra qua các tiết học, dự giờ. Sau quá trình khoảng một năm tiến hành thí điểm, Sở sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đánh giá và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ đối với từng chương trình để cho phép triển khai.

Trong quá trình triển khai Sở có mời phụ huynh tham gia góp ý kiến trong từng bước thực hiện để lắng nghe và có điều chỉnh bởi cuối cùng người sử dụng sản phẩm ở đây chính là con cái họ.

- Ông nhận định thế nào về hiệu quả của chương trình này sau 5 năm triển khai?

Ông Phạm Xuân Tiến: Triển khai chương trình này có nhiều mặt tích cực cả cho học sinh và giáo viên.

Kết quả cho thấy, các học sinh lớp 1, 2 học chương trình này không ảnh hưởng tới việc học tiếng Việt cũng như không làm quá tải việc học, bởi chương trình này rất đơn giản, phương pháp phong phú, chủ yếu tập trung vào kỹ năng nghe, nói. Đặc biệt, việc giao tiếp rất cởi mở, thân thiện, năng động, có vốn từ khá tốt. Chương trình không nhồi nhét, không đặt mục tiêu quá cao cho các em.

Đội ngũ giáo viên có bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ tốt (bao gồm cả giáo viên Việt Nam và nước ngoài). Trang thiết bị, phần mềm, máy tính… phục vụ cho học sinh trong quá trình học đều do trung tâm, công ty chịu trách nhiệm mua sắm. Học sinh không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào, chỉ đóng duy nhất tiền học phí. 

Sở cũng yêu cầu các đơn vị liên kết miễn giảm 50% đến 100% học phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa như Olympic tiếng Anh, Trạng nhí Tiếng Anh, Festival tiếng Anh thực sự là sân chơi bổ ích cho học sinh.

Đối với giáo viên, việc thường xuyên tổ chức tập huấn, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn giữa giáo viên người nước ngoài, giáo viên Việt Nam của  đơn vị liên kết với giáo viên nhà trường giúp nâng cao chất lượng dạy và học cũng như chuyên môn cho giáo viên của trường.

Hiện chưa có trường sư phạm nào có chuyên ngành đào tạo riêng cho giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học. Các giáo viên tiếng Anh hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý và phương pháp dạy tiếng Anh tiểu học. Vì thế, các chương trình liên kết phối hợp với Sở đã tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho đối tượng giáo viên này và khẳng định họ được bồi dưỡng nhiều nhất và đảm bảo nâng cao chất lượng đáng kể về chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng Anh tiểu học.

- Một số phụ huynh học sinh phản ánh bị ép học chương trình này với chất lượng không tốt. Sở có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phạm Xuân Tiến: Đối với các chương trình liên kết Sở thống nhất chỉ đạo thực hiện trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Do vậy, học sinh và phụ huynh hoàn toàn có quyền không tham gia. 

Đối với học sinh không tham gia, trường có trách nhiệm tổ chức có tiết học trong thư viện hoặc giáo viên chủ nhiệm phụ trách các học sinh này trong tiết hoạt động ngoài giờ.

Phụ huynh học sinh không có nhu cầu học chương trình liên kết thể hiện bằng bất kỳ hình thức nào, từ làm đơn hay trao đổi báo cáo trực tiếp thì hoàn toàn không phải tham gia. 

Tháng 9-2012, Sở đã có đợt khảo sát lấy ý kiến trực tiếp của phụ huynh học sinh vào phiếu hỏi ngày 21-9-2012 tại một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội về chương trình tiếng Anh liên kết.

Hầu hết ý kiến trả lời của phụ huynh mong muốn cho con học chương trình tăng cường, trong đó 95% mong muốn được học với người nước ngoài với nhiều lý do như được giao tiếp với người nước ngoài, được tăng cường khả năng nghe nói phát âm chuẩn, giá cả rẻ hơn nhiều so với học ở các trung tâm bên ngoài, không phải đưa đến các trung tâm đưa đón mất thời gian, được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

Những phụ huynh học sinh còn lại hoặc không có ý kiến hoặc cho là học chương trình liên kết chỉ được học đến lớp 2, hoặc yêu cầu có phòng lap, hoặc chưa quan tâm và chưa biết về chương trình này.

Cho đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ phía cha mẹ học sinh phản ánh là bị ép học tiếng Anh. Nếu phụ huynh có ý kiến đơn thư, Sở sẽ xem xét xử lý nghiêm.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa
82409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu