Thứ 6, 29/03/2024 06:58:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:29, 22/10/2014 GMT+7

Sẽ vui khi thầy cô viết lời nhận xét, nhưng...

Thứ 4, 22/10/2014 | 15:29:00 475 lượt xem
BPO - Nhìn nét chữ và đọc nội dung lời phê của cô, học sinh mới có nhiều động lực học hơn, mới cảm nhận được tất cả sự quan tâm của thầy cô dành cho mình.
Một học sinh lớp 2 Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) với quyển vở đóng dấu lời phê “Cô khen” - Ảnh nhỏ: Con dấu khắc sẵn lời phê của giáo viên

Đó là ý kiến của bạn đọc Vương Hường về việc các giáo viên đã đóng dấu thay vì ghi lời phê khi đánh giá học sinh tiểu học.

Lời khen, chê là sự động viên

Bạn đọc Vương Hường chia sẻ: Tôi từng là học sinh và đang là giáo viên (không phải cấp tiểu học). 

Tôi nghĩ giáo viên nên trực tiếp viết lời phê. Bởi nhìn nét chữ và đọc nội dung lời phê của cô, học sinh mới có nhiều động lực học hơn, mới cảm nhận được tất cả sự quan tâm của cô dành cho mình. Tôi từng là học sinh, mỗi lần viết văn được cô nhận xét tôi rất trân trọng những lời phê đó.

Học sinh tự đặt mộc... khen mình

Khi đã phê bằng mộc đóng dấu thì học sinh cũng có thể tự đặt mộc hay những vấn đề khác...

Nhận xét bằng chữ của cô chủ nhiệm thì tất cả phụ huynh của học sinh đều biết. Nếu có ai thay thế cũng sẽ biết.

Lời phê đối với học sinh không phải học sinh nào cũng giống nhau, chính vì lẽ đó mà lại ngẫu nhiên dạy cho học sinh tính không rập khuôn hay máy móc, không nghĩ ra những chiêu trò để đối phó.

"Giờ đây, tôi có con sắp vào lớp 1, có lẽ tôi cũng sẽ rất vui nếu vở của con mình được cô trực tiếp cầm bút nhận xét. Tri ân các thầy cô" - bạn Vương Hường viết.

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Nam Việt bày tỏ: "Giáo viên phải phê trực tiếp, không được đóng dấu. Vì đóng dấu như thế thể hiện sự vô trách nhiệm và có dấu hiệu đánh đồng, không nhắc nhở hay động viên được học sinh. Nếu khối lượng nhiều cần phân bố lại giáo viên và đồng bộ các vấn đề khác".

Bạn đọc Hồ Hải viết: "Theo tôi nghĩ, giáo viên nên viết lời phê thì hay hơn, vì khi chấm bài thì phải học. Có những phần giáo viên không thể khắc dấu để đóng vào bài mà giáo viên viết mới diễn tả hết nhận xét của mình".

Bàn về việc này, bạn đọc Trần Thảo bổ sung: "Nhận xét hay cho điểm còn phải tùy thuộc vào môn học. Đối với những môn khoa học cần có sự chính xác thì điểm số là thước đo chính xác nhất. Còn những môn văn học nghệ thuật thì cần những lời nhận xét, điều này phù hợp vì nó thiên về cảm xúc".

Đối phó vì quá tải

Lý giải cho việc các giáo viên phải bày ra sáng kiến mang tính đối phó này, bạn đọc Giang viết: "Hoan hô sáng kiến! Cũng không thể phủ nhận sáng kiến này! Vì không thể nào giáo viên nắn nót viết vào vở học sinh một ngày năm mươi cuốn và những ba lần như vậy!".

Bạn đọc Nguyễn Trung Hưng lý luận: "Chấm điểm hay nhận xét cũng là thước đo thôi, cái nào tốt hơn? Theo tôi, tình hình như nước mình chưa phù hợp với việc đánh giá, nhận xét. Có khi nào mỗi lớp giáo viên chỉ nhận tối đa 20 học sinh thì mới hiệu quả! Mong Bộ giáo dục suy xét lại!".

Vấn đề là sự trung thực

Bình luận về câu chuyện này, bạn đọc Khắc Dũng viết: Cái quan trọng nhất là sự trung thực, không theo thành tích, hình thức. Chấm điểm hay nhận xét cũng chỉ là cách đánh giá việc học của học sinh. Bệnh thành tích, hình thức vẫn còn thì có thay đổi kiểu gì cũng không đi tới cái cốt lõi của vấn đề. Chỉ loay hoay hoài giữa "điểm 10 và điểm mười" mà thôi.

Bạn đọc Nguyễn Tun chua chát bày tỏ: Cứ đối phó với nhau thế này thì biết đến bao giờ mới phát triển được?

Và bạn đọc Trần Quang Sĩ để lại một lời bình nghe rất bâng quơ nhưng đáng suy nghĩ: Giáo viên tiểu học xưa nay đã quen với cả đống sổ sách rồi. Cho nên không ngại khó khăn, không ngại cực khổ mà chỉ ngại làm không kịp công việc.

Bạn đọc bày tỏ quan điểm về cách đánh giá học sinh tiểu học

Cho điểm học sinh mới gắng học

Có cho điểm học sinh mới cố gắng học. Khi thấy bạn được 9 hoặc 10 điểm mà mình chỉ 5 hoặc 6 điểm thì mình mới phấn đấu vươn lên cho bằng bạn bằng bè.

Còn nhận xét bằng lời hay bằng "con dấu" thay cho việc cho điểm thì tác dụng rất thấp. Có giáo viên nào dám nhận xét "trung bình" hoặc "yếu" hay "kém" mặc dù có khi học sinh mình yếu hoặc kém thật.

Ví dụ có một học sinh lớp 1 nào đó trí tuệ phát triển chậm. Có thể đến cuối năm học, học sinh đó vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết. Nhưng với những lời "nhận xét có cánh" của giáo viên thì học sinh đó vẫn được lên lớp.

Rồi có thể em này vẫn học đến lớp 5 nếu việc học của em không được đánh giá bằng điểm số.

Nguồn TTO 

  • Từ khóa
84642

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu