Thứ 7, 20/04/2024 06:14:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:46, 13/01/2016 GMT+7

Thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân

Thứ 4, 13/01/2016 | 09:46:00 1,146 lượt xem
BPO - Từ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XII cần phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; trong đó, một trong những nội dung trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng là: "Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc"(1).

Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta đã khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Hơn 1.000 năm trước, vua Lý Công Uẩn vì “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” mà dời đô về Thăng Long, cốt để “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ”. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Sau này, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Lấy dân làm gốc đã trở thành truyền thống; là "cẩm nang" của các bậc minh quân, các vương triều phong kiến trong quá trình quản lý, điều hành đất nước.

Kế thừa bài học truyền thống của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”(2), bởi theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3).

Thấm nhuần tư tưởng của Người, hơn 85 năm qua, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy và phát huy có hiệu quả sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân; đã viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng. Dưới ánh sáng của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết, đồng lòng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử; sau đó lần lượt đánh bại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp, Mỹ, giành chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hòa bình lập lại, trước muôn vàn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh và tinh thần sáng tạo của nhân dân tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 30 năm đổi mới, với đường lối đúng đắn của Đảng, sự đồng thuận và cố gắng của các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử. Sau 10 năm đổi mới (1996), đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; sau 25 năm đổi mới (2011), đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 2001-2010, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168USD, năm 2014 chính thức vượt mức 2.000USD/người. Trong 5 năm 2011-2015, do sự tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu nên nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng GDP bị giảm sút. Tuy vậy, tốc độ tăng GDP bình quân vẫn ở mức cao, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Các lĩnh vực kinh tế đều có những bước tiến quan trọng. Những thành tựu đó đã làm cho thế và lực của đất nước được nâng lên, uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Có được những kết quả đó, một trong những nguyên nhân là nhờ chúng ta đã không ngừng thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực của nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo phát triển mọi mặt đời sống của nhân dân; phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”; “Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(4). Thực hiện tư tưởng đó của Bác, trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XI, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng về chăm lo đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Trong 25 năm (1990-2015), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 5,97%, với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Bên cạnh đó, nước ta cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học đạt hơn 95% và ở bậc trung học cơ sở là 80%. Việt Nam trở thành một trong những "điểm sáng" được cả thế giới ghi nhận về công tác an sinh xã hội. Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho việc chăm lo phát triển đời sống người dân trong cả nước. Đặc biệt, cùng với quá trình phát triển đất nước, vai trò làm chủ của người dân đã được coi trọng, phát huy trên thực tế. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được chú trọng thực hiện tốt ở các cấp, qua đó giúp người dân có điều kiện tham gia trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với vai trò chủ thể. Cùng với đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được củng cố, tăng cường và phát huy cao độ, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Với quan điểm khách quan, toàn diện, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ, thời gian tới tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của đất nước ta đan xen phức tạp. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sự phát triển của thế giới đang đứng trước một bước ngoặt mới; xung đột tôn giáo, sắc tộc có xu hướng phức tạp...

Trong bối cảnh đó, để nâng cao sức mạnh nội lực, đưa đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, vấn đề thu hút và phát huy sức dân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, để phát huy sức sáng tạo của nhân dân, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng trong xã hội về vai trò của nhân dân và việc động viên, phát huy vai trò của nhân dân trong điều kiện mới. Chú trọng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Thường xuyên củng cố, giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo dựng sự đồng thuận cao trong xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất vai trò làm chủ của nhân dân; tăng cường các hoạt động giám sát của nhân dân đối với hệ thống chính trị và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới, hải đảo. Tăng cường bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh có hiệu quả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực, xử lý dứt điểm những vấn đề “nóng” trong xã hội.

Nguồn QĐND - PGS, TS NGUYỄN CHÍNH LÝ

(1) Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2012, t.12, tr.212

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.8, tr.276

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.572

  • Từ khóa
14789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu