Thứ 6, 19/04/2024 07:35:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:51, 04/07/2013 GMT+7

Sẽ không có Vinashin, Vinalines thứ hai…

Thứ 5, 04/07/2013 | 09:51:00 171 lượt xem

Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) nhà nước vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, quy chế đã đưa ra 5 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp gồm:

Doanh thu và thu nhập khác; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu; nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn; chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, về tín dụng, ngân hàng, về lao động, tiền lương, an sinh xã hội, về chế độ báo cáo tài chính...; tình hình thực hiện sản phẩm... Kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp được phân làm 3 loại: Doanh nghiệp xếp loại A, doanh nghiệp xếp loại B và doanh nghiệp xếp loại C.

Điều đáng lưu ý trong quy chế này là các trường hợp giám sát tài chính đặc biệt. Theo đó, doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện tình hình sản xuất - kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp: Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định; có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5; báo cáo không đúng thực tế về tài chính...

Cũng theo quy chế này, định kỳ hàng tháng, quý, năm, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp các chỉ tiêu: Sản lượng, giá trị sản lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chủ yếu sản xuất, tiêu thụ, tồn kho trong kỳ; doanh thu hoạt động kinh doanh, thu nhập khác; chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí tiền lương, khấu hao tài sản cố định, chi phí trả lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp; tình hình thu hồi nợ, huy động vốn và trả nợ; lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu... Nếu doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt 2 năm liên tục vẫn thua lỗ thì phải chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản.

Từ nội dung trên cho thấy, việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính là nhằm đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và khả năng cạnh tranh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Thực hiện tốt việc giám sát tài chính và công khai thông tin tài chính sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Điều quan trọng hơn nữa là thực hiện có hiệu quả việc công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp như Vinashin, Vinalines... và đây là một quyết tâm của Chính phủ đối với những doanh nghiệp yếu kém.    

N.N

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu