Thứ 5, 28/03/2024 23:38:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:36, 18/06/2018 GMT+7

Sẽ hạn chế tố cao sai

Thứ 2, 18/06/2018 | 16:36:00 717 lượt xem
BPO - Sáng ngày 12-6-2018, với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua toàn văn Luật Tố cáo sửa đổi và luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, đồng thời thay thế Luật Tố cáo 2011. Luật gồm 9 chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Về hình thức tố cáo, Luật Tố cáo sửa đổi giữ quy định hiện hành là việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cụ thể, tại Điều 22 có quy định như sau: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Tố cáo bằng văn bản bao gồm tố cáo bằng bản giấy, bản fax hoặc thư điện tử. Tố cáo bằng lời nói bao gồm tố cáo được trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tố cáo được trình bày bằng lời nói qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Tuy nhiên, luật mới đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay. Cụ thể, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tại điều 25 quy định: Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không giải quyết tố cáo theo quy định của luật này. Trường hợp thông tin tố cáo quy định trên có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý. Đồng thời, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 26 có nêu: Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý nhưng có nội dung, thông tin rõ ràng về người có hành vi vi phạm, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền phục vụ cho công tác quản lý.

Theo luật mới, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo. Và việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Và ở đây có một điểm mới nữa trong Luật Tố cao sửa đổi là trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 33 có quy định: Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Điểm mới thứ 4 trong Luật Tố cáo sửa đổi là người tố cáo đã rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 33 có quy định: Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì người tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về hành vi tố cáo của mình, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với quy định trên đây, Luật Tố cáo sửa đổi đã bổ sung những quy định rất cụ thể và chặt chẽ nhằm tranh tình trạng bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, với quy định này sẽ tránh được tình trạng lợi dụng tố cáo để tố cáo sai, vu khống, hoặc bôi nhọ, hay làm mất uy tín, danh dự của người khác hoặc vì mục đích kinh doanh không lành mạnh…. 

TH

  • Từ khóa
21127

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu