Thứ 7, 20/04/2024 06:57:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 16:01, 04/06/2015 GMT+7

Thờ ơ với luật

Thứ 5, 04/06/2015 | 16:01:00 2,028 lượt xem
BP - Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá được thông qua ngày 18-6-2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-5-2013. Luật gồm 5 chương, 35 điều quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện đảm bảo phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Qua 2 năm đi vào cuộc sống nhưng nhiều quy định trong luật vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng thờ ơ, “vô tư” vi phạm luật còn rất phổ biến. Đơn cử như Điều 6 của luật này quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Có thể thấy rằng, hầu như cơ quan, đơn vị nào cũng có quy định về việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc nhưng tất cả chỉ tồn tại trên giấy. Không ít người đứng đầu đề ra quy định cấm hút thuốc lá tại cơ quan làm việc song bản thân họ vẫn...hút đều đều (!?).

Mỗi năm, Việt Nam “đốt” hết khoảng 16 ngàn tỷ đồng, cùng với đó là khoảng 40 ngàn người chết vì các căn bệnh liên quan trực tiếp đến thuốc lá - Ảnh: K.B

Những quy định tại Điều 7 về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng rất khó khả thi. Theo đó, công dân được quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi người hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá... Hành vi hút thuốc lá tại những nơi cấm hút thuốc lá là hành vi vi phạm pháp luật song để tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt là hoàn toàn không dễ dàng. Nhiều người, nhất là phụ nữ, trẻ em cảm thấy rất khó chịu và dị ứng với khói thuốc lá. Nếu là đồng nghiệp cùng chung cơ quan thì nhỏ nhẹ nhắc nhở nhau còn được chứ ra chỗ công cộng (nhà ga, bến xe, công viên...) mà yêu cầu người không quen biết với mình không được hút thuốc thì xem ra là điều không thể, thậm chí có khi còn tự chuốc lấy phiền toái cho bản thân nếu chẳng may gặp phải những thành phần bất hảo, “chưa được vạ má đã sưng”.

Quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm sử dụng người dưới 18 tuổi mua, bán thuốc lá... trên thực tế cũng bị phớt lờ. Người bán vì lợi nhuận nên hễ có người mua thì bán với lập luận không lẽ phải kiểm tra chứng minh nhân dân xem đủ tuổi chưa mới được quyền bán thuốc lá? Bên cạnh đó, không ít ông bố, bà mẹ vẫn thường xuyên sai con em mình ra quán tạp hóa mua thuốc lá về hút mà chẳng hề hay biết nếu các em chưa đủ 18 tuổi thì đang vi phạm pháp luật.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, hiện có khoảng 16 triệu người trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm, cả nước “đốt” hết khoảng 16 ngàn tỷ đồng, cùng với đó là khoảng 40 ngàn người chết vì các căn bệnh liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Tại sao chúng ta đã có Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá song số người hút thuốc là không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Phải chăng việc nêu gương của chúng ta chưa tốt? Trong cơ quan, nếu thủ trưởng nêu gương cho cấp dưới, trong gia đình nếu ông bà, cha mẹ nêu gương cho con cháu về việc không sử dụng thuốc lá thì tin chắc số người hút thuốc lá sẽ giảm. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.               

Chính Trực

  • Từ khóa
26626

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu