Thứ 5, 28/03/2024 21:15:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:34, 22/04/2015 GMT+7

Sao không viết atlat cho môn Sử dễ học?

Thứ 4, 22/04/2015 | 08:34:00 218 lượt xem
BP - Đó là ý kiến của thầy Trần Quang Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài (Đồng Xoài) khi được hỏi về tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn Lịch Sử của trường quá thấp.


Tiết học Lịch sử được sử dụng phương tiện hỗ trợ tại Trường THPT Đồng Xoài

Năm học 2013-2014, Trường THPT Đồng Xoài có hơn 500 học sinh thi tốt nghiệp thì số em đăng ký ôn thi môn Lịch sử có tới 3 lớp. Nhưng năm học này, trường có 576 học sinh lớp 12 thì chỉ có 39 em (1 lớp) đăng ký ôn môn Lịch sử. Tương tự, Trường THPT Hùng Vương (Đồng Xoài) năm học này có 494 học sinh lớp 12 thì cũng chỉ có 32 em đăng ký học ôn môn Sử để thi tốt nghiệp. Thầy Trần Quang Đông nói: Cứ đà này (Lịch sử chỉ là môn tự chọn chứ không bắt buộc thi tốt nghiệp) thì sẽ đến lúc không còn em nào đăng ký thi môn này nữa!

Môn học này là tất cả những gì thuộc về quá khứ. Nhưng nhiệm vụ của giáo viên là phải giúp học sinh tạo được sự liên kết với hiện tại và tương lai, lấy bài học lịch sử để vận dụng vào thực tế cuộc sống. Đó cũng là cách để các em yêu thích môn Lịch sử.

Giáo viên chuyên môn Lịch sử, cô Thơ

Là trưởng bộ môn Lịch sử của Trường THPT Đồng Xoài, cô Nguyễn Thị Thu Ngân tự hào vì trường từng nhiều năm có học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia môn Lịch sử - một môn học “kén” cả người dạy và người học. Cô Ngân cũng khẳng định từ năm 2006, môn Lịch sử đã giảm tải khá nhiều. Những con số chính xác về ngày tháng năm diễn ra sự kiện; những số liệu về quân số các bên tham gia các trận đánh, các chiến dịch đã giảm đáng kể so với trước. Bên cạnh đó, cách ra đề thi tốt nghiệp và đại học môn Lịch sử những năm gần đây đã theo hướng mở - cho dù vẫn dựa trên kiến thức nền. Nếu học sinh chăm chỉ sẽ đạt điểm 5 ở phần lý thuyết. Nếu vận dụng tốt để làm những câu nâng cao thì sẽ đạt điểm cao. Điều đó đã giảm áp lực đối với cả giáo viên và học sinh khi dạy và học môn Lịch sử. Tuy nhiên, điều khiến cô Ngân băn khoăn là khối lượng kiến thức phải học thuộc của môn Lịch sử vẫn còn nhiều so với các môn khác. Bên cạnh đó, dù là bậc THPT nhưng vẫn diễn ra tình trạng học sinh thích thầy cô thì mới chịu học chứ chưa ý thức được việc cần thiết phải học, dù thích hay không.

Cô Lê Thị Thơ, giáo viên dạy lớp chuyên Lịch sử của Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) thì cho rằng, dù đề mở hay bám theo kiến thức nền, với môn Lịch sử, học sinh vẫn cần học thuộc và phải sạch nước cản về khả năng diễn đạt, vì nếu không nhớ sự kiện thì sẽ diễn đạt sai. Chương trình môn Lịch sử bậc THPT những năm qua đã giảm tải nhiều so với trước, nhưng vẫn có thể giảm tải thêm. Điều khiến cô băn khoăn là sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, đưa ra nhiều định nghĩa, khái niệm, tính chất... bắt học sinh phải học thuộc. Đó là những kiến thức khó nhớ lại mau quên. Cô Thơ đã tham khảo một vài cuốn sách giáo khoa của Singapore, Rumani. Sách của họ thường rất  mỏng, chủ yếu là hình ảnh và chú giải. Trong khi đó, Lịch sử lớp 10 của ta hiện dày tới 221 trang, lớp 11 dày 292 trang và lớp 12 là 293 trang.

Cũng như cô Ngân, cô Thơ cho rằng, học sinh thích thú hay chối bỏ môn học là có sự ảnh hưởng rất lớn từ người thầy. Nếu thầy cô đặt mình vào học sinh, biết chia sẻ, cảm thông và học cùng các em, đừng tạo áp lực thì các em sẽ dần yêu thích môn học.

Còn nhớ cách đây không lâu trên mạng xã hội có rất nhiều chia sẻ về hình ảnh học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) hò reo xé đề cương môn Lịch sử ném xuống sân trường khi biết môn học này không bắt buộc thi tốt nghiệp. Nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục đã “choáng” khi chứng kiến kiểu “ăn mừng” của các em. Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh thì cho rằng: Việc làm này đáng phê phán nhưng cần thận trọng khi cho rằng, học sinh ghét môn Sử một cách quá đáng.         

Nói về việc ngày càng ít học sinh thích học và đăng ký thi môn Lịch sử, thầy Trần Quang Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài cho rằng: Muốn thay đổi tình trạng này phải bắt đầu từ việc viết sách giáo khoa. Sách thay đổi thì giáo viên sẽ buộc phải thay đổi cách dạy. Tại sao không viết sách Lịch sử theo kiểu atlat như môn Địa. Không phải tất cả, nhưng một số bài, một số sự kiện, nhất là những sự kiện diễn ra ở từng địa phương được mô phỏng bằng atlat sẽ kích thích học sinh tưởng tượng, giúp các em liên tưởng đến thực tế nơi mình đang sống. Và như thế, tiết học sẽ trở nên sinh động, học sinh sẽ dễ hiểu và ham học hơn!

Thảo Nguyên

 

  • Từ khóa
85062

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu