Thứ 3, 16/04/2024 22:32:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:44, 30/07/2012 GMT+7

Đại tá Nguyễn Văn Bình - sáng ngời phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”

Thứ 2, 30/07/2012 | 09:44:00 3,857 lượt xem

Kể từ khi khoác áo binh nghiệp, cuộc đời đại tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng đội K72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) được chia thành 3 mốc quan trọng: Chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và đưa đồng đội hy sinh từ Campuchia về nước. Mỗi chặng đường của anh luôn thể hiện phẩm chất sáng ngời và ý chí bất khuất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nguy nan để hoàn thành nhiệm vụ của “bộ đội Cụ Hồ”.

TRỌN VẸN TUỔI THANH XUÂN CHIẾN ĐẤU TRÊN ĐẤT BẠN

Năm 1978, khi bước sang tuổi 19, anh Nguyễn Văn Bình từ quê hương Đồng Tháp lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Phú Giáo, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Sau 2 tháng, anh về đóng quân tại Tiểu đoàn 208 - sân bay Bù Đốp. Khi đó, chiến trường Campuchia đang bước vào giai đoạn ác liệt nên có nhiều đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang đất bạn chiến đấu. Vì thế, 1 tháng sau, anh cũng trở thành chiến sĩ tình nguyện và sống trên đất bạn vừa tròn 10 năm. Tại đất nước chùa Tháp, anh được học 6 tháng tiếng Khơme, rồi đảm nhận công tác phiên dịch, song song với công việc trợ lý trinh sát, chuyên gia trinh sát... Và điều đó đã giúp anh rất nhiều trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sau này.

Trên chiến trường Campuchia, trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nên nhiều cuộc hành quân anh Bình khó nhớ hết. Tuy nhiên, cũng có những trận đánh đã in đậm trong ký ức của anh như vừa mới diễn ra. Anh tâm sự: “Hoàn cảnh đó, nói không sợ chết là không thật lòng, nhưng chúng tôi luôn đặt vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng, mang tâm thế của quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế lên trên hết. Vẫn biết thời khắc đó, sự sống và cái chết rất mong manh nhưng mọi người chỉ luôn nghĩ phải làm sao để cái chết của mình có ý nghĩa nhất, có ích nhất, xứng đáng nhất mà thôi”.

ĐƯA ĐỒNG ĐỘI VỀ ĐẤT MẸ

Sau 10 năm tham gia chiến đấu, công tác trên đất bạn Campuchia, năm 1988, anh Bình về Phước Long đảm nhận công việc trợ lý quân báo. Trước khi về đội K72, anh Bình đã trải qua rất nhiều nhiệm vụ: Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự Phước Long; Trưởng ban dân quân, Đội trưởng đội công tác tuyên truyền cơ sở (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)... Hiểu rõ đây là giai đoạn quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang thời bình nên anh rất nỗ lực, tận tâm với công việc được phân công.

Chuyển về đội K72 năm 2005, với chức vụ đội phó, một năm sau, anh đảm nhận vị trí đội trưởng. Mùa khô năm nào anh cũng cùng cán bộ, chiến sĩ đội K72 lên đường sang Campuchia tìm kiếm, cất bốc hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đưa về nước. 
 

Công việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ đòi hỏi các anh phải có tấm lòng và sự bền bỉ

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì làm việc gì cũng thành công” nên anh đã dựa vào dân, chính quyền bạn để tìm kiếm thông tin. Các anh đã đến thăm hỏi các nhà sư, chức sắc; tặng quà, khám chữa bệnh, sửa nhà, đào giếng cho người nghèo; đắp đường, dọn vệ sinh... cho nhân dân quanh vùng. Chính việc các anh làm đã tạo thiện cảm rất lớn đối với chính quyền và người dân nước bạn. Nhờ đó, nhiều người đã nhiệt tình cung cấp các nguồn tin có giá trị.

Thời gian dài sống, chiến đấu trên đất bạn, anh rất hiểu phong tục, tập quán, nói giỏi tiếng Campuchia, đã giúp anh xây đắp tình đoàn kết, tạo lòng tin với cán bộ và nhân dân nước bạn. Kinh nghiệm trong thời chiến cũng giúp anh nhạy bén chắt lọc thông tin, nhân chứng. Từ đó tiết kiệm được thời gian và công sức của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Suốt 7 năm qua, anh Bình đã cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị qua mỗi giai đoạn cất bốc từng hài cốt liệt sĩ. Không phân biệt cấp bậc, địa vị, anh cũng cơm vắt, ngủ rừng để tìm mộ trên đất bạn. Theo anh, mỗi công việc đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Và tất cả đều bắt nguồn từ tấm lòng và ý chí mới vượt qua được những thử thách. Mộ liệt sĩ nằm rải rác, trong khi địa hình đã thay đổi; thông tin từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng khác nhau nên mất rất nhiều thời gian để thẩm định. Khu vực tìm mộ thường nằm sâu trong rừng núi hiểm trở, sông suối cắt ngang nên nhiều nơi, phương tiện cơ động không vào được nên cán bộ, chiến sĩ phải mang vác dụng cụ, phương tiện cất bốc và đi bộ vào nơi tìm kiếm mộ. Thời tiết ở Campuchia rất khắc nghiệt, mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì ngập úng, sình lầy.Nhưng vượt lên những trở ngại để thu được kết quả cao chính là tinh thần người lính Cụ Hồ, tình cảm thiêng liêng của đồng đội dành cho lớp cha, anh đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ mùa khô 2001-2002 đến mùa khô 2011-2012, đội K72 đã đưa về nước 2.013 mộ liệt sĩ, trong đó 232 mộ có tên và địa chỉ. Ngày 27-7-2012, sẽ tổ chức lễ truy điệu và đưa 109 liệt sĩ, trong đó có 22 mộ có tên về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đây là số mộ mà cán bộ, chiến sĩ Đội K72 vừa tìm kiếm và cất bốc từ Campuchia đưa về nước trong mùa khô 2011-2012.

Đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong đội K72, anh Bình luôn nêu gương sáng về tinh thần ham học hỏi và chung lưng đấu cật cùng đồng đội trong mọi hoàn cảnh. Thượng tá Lê Huy Chung, Chính trị viên đội K27 nhận xét: “Đồng đội đi đến đâu anh Bình đều chung vai đến đó. Anh không ngại khó, ngại khổ mà luôn dãi nắng dầm mưa, căng tăng, nằm bạt với anh em trong đội, khiến chúng tôi rất nể phục. Sự sâu sát, gắn bó với đơn vị của anh là một tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ, ý chí son sắt của người lính Cụ Hồ”.

Ghi nhận sự cống hiến của đại tá Nguyễn Văn Bình, ngoài nhiều bằng khen của cấp quân khu, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh... anh còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ những đóng góp thầm lặng, giàu ý nghĩa của anh cùng đội K72 mà hàng ngàn liệt sĩ đã được đưa về nước, được “đoàn tụ” với gia đình. Tấm gương biết sống vì mọi người, hết lòng vì đồng đội của anh luôn xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
1680

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu