Thứ 6, 19/04/2024 22:14:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:48, 17/11/2017 GMT+7

Sáng mãi tinh thần “tôn sư trọng đạo”

Thứ 6, 17/11/2017 | 08:48:00 201 lượt xem

BP - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11), những ngày gần đây, nhiều nơi trong cả nước đã rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm. Không ngoại lệ, Sở GD-ĐT Bình Phước vừa tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống của ngành trong không khí vui tươi và trang trọng. Điểm nhấn đặc biệt làm không khí hội trường trở nên xúc động, ý nghĩa hơn khi em Lê Phạm Phương Hoa, học sinh lớp 12D chuyên Văn, Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) thay mặt cho 231.882 học sinh toàn tỉnh gửi tình cảm, sự tri ân của mình đối với trên 20 ngàn thầy cô trên địa bàn tỉnh.

Theo em Hoa, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới đều có ngày dành riêng để mỗi học sinh, sinh viên hướng về thầy cô đã có công rất lớn trên bước đường hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ của các em. Còn đối với em cũng như mỗi người dân Việt Nam, 20-11 là ngày vô cùng quen thuộc nhưng rất đỗi thiêng liêng. Đấy là ngày hẹn của những tấm lòng; ngày để mỗi học sinh được nói lên lòng biết ơn sâu sắc của mình dành cho thầy, cô.

Thực ra, từ xưa đến nay, tình yêu thương, quý trọng thầy, cô luôn thường trực trong mỗi người. Ngoài khối lượng đồ sộ thơ ca thành văn thì kho tàng ca dao, tục ngữ nói về tình cảm thầy - trò, lòng biết ơn thầy, cô cũng khó mà thống kê hết, từ “Ơn thầy soi lối mở đường/Cho con vững bước dặm trường tương lai; Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy” đến “Người không học như ngọc không mài; Một kho vàng không bằng một nang chữ...”...

Và thực tế đã chứng minh, những ai càng trân quý tình thầy - trò, người đó càng có tâm hồn trong sáng, sống có nhân cách, lý tưởng. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nói lên cảm xúc với người từng ngày, từng giờ uốn cho mình từng nét chữ, dòng kẻ hay truyền cho mình thêm một điều hiểu biết mới. Các em càng không thể nói hết được sự cảm phục khi thầy, cô đổ mồ hôi qua bài giảng; thao thức hằng đêm, lặng lẽ bên ánh đèn khuya để các em có được kiến thức bổ ích, mới mẻ... Các thầy, cô chính là những người đưa đò miệt mài lặng thầm làm công việc “trồng người”. Nhưng thầy, cô không đưa người qua sông là xong mà năm tháng qua đi, thầy cô vẫn luôn dõi theo bước đi của lớp lớp học trò... Hành trang vào đời của các em vì thế đều nặng tấm lòng yêu thương, sự trăn trở, lo lắng, giọt mồ hôi và cả những hy sinh thầm lặng của thầy, cô gửi theo.

Từ con chữ đầu tiên và phép cộng trừ đơn giản buổi đầu đến kho kiến thức vô cùng phong phú của nhân loại về sau, mỗi trang giáo án của thầy, cô là những trang đời, không chỉ dạy cho các em kiến thức mà còn là những bài học làm người. Dạy các em biết gạn đục khơi trong để tìm ra hạnh phúc, chân lý sống; biết cách đứng dậy khi vấp ngã, chấp nhận thất bại để vươn lên; biết yêu cái tốt, điều hay và cả chán ghét, căm thù điều xấu để trân trọng những tình cảm tốt đẹp quanh mình; biết hướng về nguồn cội để tri ân với những người đã chăm lo cho cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn...

Dù có nói bao nhiêu cũng không thể diễn tả hết được sự biết ơn mà lớp lớp học trò dành cho thầy, cô của mình. Tuy nhiên, đây chính là dịp để các em sẻ chia nỗi niềm và mong thầy cô luôn mãi là ngọn đuốc sáng chỉ đường cho các thế hệ học trò. Và với các em, dù ở phương trời nào thì hình ảnh thầy, cô vẫn mãi sống trong ký ức mỗi người: Ơn thầy soi lối mở đường/Cho con vững bước dặm trường tương lai (ca dao).

An Nhiên

  • Từ khóa
108758

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu